Chắc chắn, thời đi học, đứa học sinh nào cũng trải qua ít nhất vài ba nỗi sợ trong bảng danh sách này.
Nỗi sợ xuất hiện ở nhiều nơi nhưng những nỗi sợ ở trường học có lẽ là thứ đặc biệt “ám ảnh” đối với học sinh. Bản thân chúng ta có những nỗi sợ hãi không giống nhau, bạn đang gặp phải nỗi sợ nào dưới đây?
1. Sợ kiểm tra miệng
“Phim ngắn kinh dị” nhất là khi đến lớp bạn chưa học thuộc bài hoặc đến lớp rồi bạn mới biết môn hôm nay cần học thuộc.
Khi thầy cô bắt đầu mở danh sách lớp và thông báo sẽ kiểm tra bài cũ, bạn bắt đầu run sợ và ước rằng người bị gọi lên bảng kiểm tra miệng không phải mình. Có lẽ khoảnh khắc ấy là khoảnh khắc đáng sợ nhất mỗi tiết học.
2. Sợ xuất hiện trước đám đông
Nỗi sợ xuất hiện trước đám đông là nỗi sợ phần lớn chúng ta gặp phải khi đến trường. Không phải ai cũng đủ tự tin để đứng trước lớp phát biểu, bày tỏ quan điểm, trả lời,…
Khi phát biểu trước lớp, với bao nhiêu ánh nhìn đều tập trung về phía bạn, bạn cảm thấy “tim đập, chân run”, đầu óc như trống rỗng và không biết mình phải làm gì tiếp theo. Bạn cũng tránh những nơi tụ tập đông người, tránh những cuộc vui chơi chung và ghét sự ồn ào đông đúc.
3. Sợ đặt câu hỏi
Trong quá trình thầy cô giảng bài xuất hiện nhiều phần kiến thức bạn chưa hiểu rõ nhưng bạn ngại hỏi. Nhiều vấn đề bạn thắc mắc và muốn tìm hiểu sâu hơn nhưng bạn cũng “tặc lưỡi” cho qua.
Bạn sợ khi mình hỏi, cả lớp sẽ nhìn mình bằng một ánh mắt “kì thị” và sợ thầy cô sẽ nói rằng bạn chậm hiểu. Nhưng không, “muốn biết phải hỏi, muốn giỏi phải học” khi bạn thấy thắc mắc hãy hỏi ngay thầy cô để thầy cô giải đáp luôn cho bạn. Điều đó sẽ giúp bạn nhanh tiến bộ trong học tập.
4. Sợ trả lời
Khi thầy cô đặt ra một câu hỏi, nếu bạn chưa biết câu trả lời thì bạn ngại động não suy nghĩ vì cho rằng đã có bạn khác trả lời. Trường hợp khác, tuy bạn đã biết đáp án nhưng bạn sợ trả lời vì bạn cho rằng nếu lỡ trả lời sai, nếu mình nhầm lẫn thì các bạn sẽ nghĩ mình là kẻ thất bại.
Nhưng điều đó hoàn toàn chỉ là những “kịch bản” do nỗi lo sợ của bạn viết ra mà thôi. Bởi vậy, hãy tự tin và xung phong trả lời các câu hỏi của thầy cô để xây dựng tiết học thêm hứng thú và điều quan trọng nhất là bạn biết được khả năng của mình và mức độ hiểu bài của mình để học tập tốt hơn.
5. Sợ giao tiếp
Sợ bắt chuyện với các bạn trong lớp, chỉ thu mình trong “vỏ ốc” mà không muốn giao tiếp với ai. Bạn không muốn tương tác với những người lạ, hoặc thậm chí không muốn tương tác với bạn của mình. Bạn để mình trong “vùng an toàn” và muốn sống như “người vô hình” trong lớp.
Tuy nhiên, bạn nên thay đổi suy nghĩ, cố gắng vượt qua nỗi sợ của bản thân bằng cách nhiệt tình tham gia các hoạt động của lớp, của trường, các câu lạc bộ, đội nhóm, nói chuyện với những người bạn xung quanh nhiều hơn, điều đó sẽ giúp bồi dưỡng nhiều kiến thức và kỹ năng cho bạn.
Nỗi sợ nào cũng có cách để vượt qua. Hãy cố gắng chiến thắng chính bản thân bạn để thành công hơn và chắc chắn bạn sẽ tìm được niềm vui trong cuộc sống.
Nguồn: Sưu tầm