Notice: Undefined index: HTTP_ACCEPT_LANGUAGE in /home/gconnect/public_html/index.php on line 16
Ngành du lịch và khách sạn tại Neuchâtel, Thụy Sỹ - Du học Thụy Sỹ | Quản trị khách sạn | GConnect Hospitality Education

Ngành du lịch và khách sạn tại Neuchâtel, Thụy Sỹ

Neuchâtel phù hợp với những bạn muốn học tập tại vùng nói tiếng Pháp của Thụy Sỹ và ghi danh vào IHTTI, một trong những trường khách sạn hàng đầu của khối SEG (Swiss Education Group) và khối AESH (The Swiss Hotel Schools Association)

Xin giới thiệu qua về thành phố Neuchâtel…

Neuchâtel chỉ kém Hà Nội có 1 tuổi ! Năm 1011, vua Rodolphe III của vùng Bourgogne đã viết thư cho vợ mình là hoàng hậu Irmengarde để kể cho bà nghe về một lâu đài mới được xây dựng bên hồ. Lâu đài này không có vẻ gì là khoa trương, bên cạnh có vài ngôi nhà giành cho lính ở, và đây chính là cái nôi hình thành nên thành phố Neuchâtel trong tương lai và cũng từ đó mà hình thành nên tên gọi của thành phố này (Neuchâtel nghĩa là lâu đài mới). Thành phố càng ngày càng trở nên phồn thịnh nhờ phát triển thương mại, trồng nho, công nghiệp sản xuất đồng hồ, sản xuất dây buộc, dệt may và ngân hàng. Năm 1815, Neuchâtel trở thành một bang của Thụy Sĩ sau khi được giải phóng khỏi ách đô hộ của quân Phổ. Dân cư ở đây giàu có, với những ngôi nhà và những khách sạn đặc biệt xây bằng đá màu vàng của làng Hauterive nằm ở gần kề. Điều này khiến cho đại văn hào Pháp Alexandre Dumas đến du ngoạn ở đây nói rằng: “Thành phố giống như là một đồ chơi được khắc đẽo trong một cục bơ”. Vào cuối thế kỉ 19, nhiều khách sạn được xây dựng, đặc biệt là Khách sạn Beau-rivage gần hồ để phục vụ khách du lịch song song với việc phát triển của ngành đường sắt.

Truyền thống vẻ vang đáng hãnh diện nhất của vùng là sản xuất đồng hồ (các thành phố Le Locle và La Chaux-de-Fonds ở giữa những dãy núi gần Neuchâtel mới đây đã được UNESCO tôn vinh là di sản văn hóa thế giời nhờ vào nghề sản xuất đồng hồ truyền thống). Thành phố hiện đang phát triển nhanh chóng gắn liền với sự phát triển của công nghệ vi mạch và kĩ thuật cao. Trong 20 năm gần đây, Neuchâtel đã thu hút nhiều doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ y dược, công nghệ vi sinh, công nghệ sinh học… Một điểm mạnh khác của thành phố là trường đại học và các học viện. Dù hiện nay chỉ có 38,000 người dân (80,000 kể cả dân ở các vùng ngoại ô), ngay từ năm 1840, Neuchâtel đã có riêng một trường đại học! Dịch vụ đào tạo ở đây cung cấp các ngành học từ xã hội nhân văn cho đến công nghệ vi mạch, luật và khoa học kinh tế. Nơi này cũng thu hút rất nhiều khách du lịch nhờ vào vị trí thơ mộng của thành phố nằm bên bờ hồ, dưới chân dãy núi Jura (phần phía trên của thành phố được bao phủ bởi nhiều cánh rừng tự nhiên) và cũng còn nhờ vào vẻ đẹp còn bảo tồn được của một thành phố thời trung cổ với rất nhiều đài phun nước, trong đó có những đài phun nước có từ thế kỉ 16 !

Neuchâtel cũng còn có rất nhiều bảo tàng giàu có, trong đó bảo tàng khiến người thăm quan phải thán phục nhất có lẽ là Automates Jaquet-Droz. Bảo tàng này lưu giữ ba cỗ máy hình người xây dựng theo những tiêu chuẩn kĩ thuật tuyệt xảo do một thợ đồng hồ người Neuchâtel thực hiện trong những năm 1770 và ba cỗ máy này ngày nay vẫn còn tiếp tục chạy tốt. Ba cỗ máy hình người –  Họa sĩ, Người sáng tác và Nhạc sĩ – được cất kín trong tủ kính và được mang ra cho chạy vào các chủ nhật đầu tiên của tháng. Họa sĩ là một đứa trẻ đang ngồi tay cầm một tờ giấy và một chiếc bút chì và có thể vẽ được những bức tranh phức tạp như một con chó, hay thần Eros đang ngồi trong một chiếc xe do một con bướm kéo hay vua Louis XV. Người sáng tác là một cậu bé bụ bẫm có thể nhúng bút lông của mình vào một lọ mực và viết bất kể chữ gì trong số 40 chữ cái mà chúng ta yêu cầu. Nhưng dễ thương nhất có lẽ là Nhạc sĩ, một cô gái trẻ duyên dáng với những ngón tay gầy gò khéo léo chơi một cây đàn organ thật.

Nếu nhưng người Thụy Sĩ lúc nào cũng phản đối việc gia nhập liên minh Châu Âu thì  những người dân ở Neuchâtel lại hầu hết ủng hộ việc này. Đây là bằng chứng về độ cởi mở đầu óc của thành phố này, đây là một trong những thành phố tiên phong trong Hội đồng Châu Âu và Ủy ban Châu Âu vì chương trình “thành phố đa văn hóa”, chương trình này có mục đích là hội nhập những tư tưởng và thực tiễn mới liên quan đến việc hòa nhập của những người nhập cư và những người thiểu số.

Để kết luận, tại sao chúng ta lại không kết hợp chuyến thăm trường IHTTI bằng tàu điện đến tận Cernier xen giữa những ngọn núi của vùng Neuchâtel và nếm món ăn truyền thống của địa phương: bánh ga-tô quét bơ và tham quan hàng nghìn nơi tuyệt đẹp tại Neuchâtel.