TS. Lê Thị Thanh Mai, Phó Trưởng ban Đại học và Sau Đại học, thành viên Nhóm nghiên cứu hướng nghiệp ĐHQG TP.HCM chia sẻ những suy nghĩ, đánh giá của mình với SVVN về định hướng nghề nghiệp và các nghề sẽ “hot” trong tương lai…
“LỘ TRÌNH” HƯỚNG NGHIỆP
Thưa chị, các bạn trẻ thường băn khoăn khi đứng trước câu hỏi về lựa chọn nghề nghiệp cho bản thân. Nhưng rồi không ít bạn trẻ phải tự nhận rằng mình đã chọn sai nghề. Điều này nên hiểu thế nào?
Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến nghề nghiệp trong tương lai của bạn như sở thích, tính cách, năng lực và môi trường xã hội. Như vậy, chọn sai nghề có thể hiểu là chọn làm một công việc không phù hợp với những yếu tố trên của bản thân.
Các bạn trẻ chắc không ít lần lúc mua đồ ở cửa hàng thì rất thích nhưng khi về mới nhận ra nó không hợp hoặc không vừa với mình. Chọn nghề cũng rất dễ bị “con mắt” đánh lừa, bởi quan niệm số đông và nghề đang được đánh giá là “thời thượng”. Theo quan niệm số đông, người ta thường đánh giá theo kiểu “nhất Y, nhì Dược,..” chẳng hạn. Nghề thời thượng thường cuốn hút một số lượng không nhỏ các bạn trẻ dù chưa hiểu rõ về nó.
Làm thế nào để bạn trẻ biết được “bộ đồ” nghề nghiệp nào mình có thể mặc vừa và mặc đẹp?
Chọn nghề khó hơn so với việc chọn và mặc thử áo quần trong một cửa hiệu. Vì thế, nó đòi hỏi bạn phải suy nghĩ và cân nhắc kỹ trước khi chọn học một ngành nghề nào đó nếu không muốn bị lãng phí thời gian, công sức và cả tiền bạc. Như tôi đã nói về những yếu tố để chọn lựa một nghề phù hợp. Dựa vào các yếu tố đó và những ngành nghề mà bạn yêu thích, có thể đưa ra được một kết quả phù hợp nhất.
Nhưng, như vậy vẫn chưa đủ vì chưa đáp ứng được tiêu chí “mặc đẹp” nghĩa là khi ra trường có khả năng đáp ứng tốt nhất yêu cầu của công việc. Tôi gọi nó là định hướng việc làm trong nhà trường dạy nghề như đại học, cao đẳng, trung cấp.
Học sinh phổ thông là đối tượng đang “học chữ”. Dù có trả lời được tất cả các câu hỏi về những yếu tố như chị nói thì cũng không có gì đảm bảo các bạn sẽ cho ra được một kết quả chính xác về nghề phù hợp với mình…
Đúng vậy, và vì thế chúng ta cần những trắc nghiệm khách quan và tham khảo ý kiến của các chuyên gia. Những trắc nghiệm định hướng nghề nghiệp đã có rất lâu ở các nước phát triển và đây là một nguồn đáng tin cậy cho học sinh khi đứng trước ngưỡng cửa nghề nghiệp.
Nhóm nghiên cứu của chúng tôi tại ĐHQG TP.HCM đã thực hiện chuyển bộ công cụ trắc nghiệm tâm lý dành cho học sinh và vận hành chương trình từ nhiều năm nay. Từ tháng 2 đến tháng 4 hằng năm là thời kỳ cao điểm của website vì nhiều bạn tập trung tìm hiểu để hoàn tất hồ sơ đăng ký dự thi đại học, cao đẳng. Năm 2009, website có hơn 100 ngàn bạn trẻ làm trắc nghiệm tâm lý này.
Chị có thể nói rõ hơn về việc định hướng việc làm trong các cơ sở giáo dục sau phổ thông?
Tôi lấy ví dụ trong các trường đại học. Ở bậc học này, khi thí sinh trúng tuyển vào một ngành nghĩa là đã phải hiểu ít nhiều về ngành đó. Định hướng việc làm nhằm giúp sinh viên có khả năng đáp ứng một cách tốt nhất yêu cầu công việc của ngành, đồng thời có thể nhanh nhạy nắm bắt chuyên môn của những ngành trong cùng khối học. Việc định hướng này nên có ngay từ năm đầu tiên vì hiện nay các môn học chuyên ngành và đại cương được đan xen ngay từ năm đầu tiên.
Ở phần định hướng này, nhiệm vụ của giảng viên là rất quan trọng. Khi giảng dạy, giảng viên nên hướng dẫn về tầm quan trọng của môn học. Nó cần thiết trong những môi trường nào, vị trí tuyển dụng nào. Với nghề nghiệp mà sinh viên đã chọn và đang theo học, môn học này cần chỉ ra khi ra trường sẽ được ứng dụng trong công việc cụ thể nào.
Cấp độ của việc hướng dẫn định hướng này tăng theo thời gian. Đến năm thứ 3, việc định hướng gắn liền với sự giám sát sinh viên khi đi thực tập tại doanh nghiệp. Tôi tin rằng, nếu toàn thể giảng viên của các trường Đại học có thể làm tốt công tác này thì chất lượng sinh viên ra trường sẽ cao và đáp ứng được nhu cầu thật sự của xã hội.
Lộ trình này có nên bắt đầu bằng việc xây dựng đội ngũ chuyên gia hướng nghiệp, điều mà dường như chúng ta đang bỏ trống trên bản đồ giáo dục?
Không chỉ đội ngũ chuyên gia, chúng ta hiện còn rất cần các trung tâm dự báo nguồn nhân lực. Vì hiện nay, các cơ sở đào tạo, đặc biệt là các trường đại học vẫn chỉ “âm thầm” tự điều tra nhu cầu nhân lực trong xã hội của các ngành đào tạo. Nếu có một trung tâm chuyên nghiệp, các trường sẽ có thể đưa ra con số chính xác hơn về chỉ tiêu đào tạo.
Từ đó, những sinh viên ra trường sẽ có cơ hội cao hơn trong việc tìm kiếm một việc làm đúng ngành nghề và phù hợp. Sinh viên thậm chí ra trường đã có các cơ quan, doanh nghiệp “rước” về chứ không còn phải lật đật đi tìm việc như hiện nay.
NGÀNH NÀO NÓNG NHẤT – NGUỘI NHẤT?
Rất nhiều trường đại học hiện nay mở thêm ngành Tài chính – Ngân hàng, Kế toán dù không có truyền thống đào tạo các ngành này. Chị nghĩ sao về hiện tượng này?
Đối với các cơ sở giáo dục hiện nay, nếu có thể gắn kết nhu cầu của chuyên ngành với tổng thể thì hoàn toàn có thể mở thêm các ngành đào tạo không phải truyền thống. Ví dụ như đại học Nông nghiệp Hà Nội đào tạo ngành Tài chính – Ngân hàng đáp ứng đúng nhu cầu Ngân hàng khối nông nghiệp cần mà không phải bất cứ khoa Tài chính – Ngân hàng nào của các trường khối Kinh tế cũng nắm bắt được những đặc điểm này.
Những lứa sinh viên đầu tiên theo học ngành Chứng khoán sẽ ra trường trong năm nay và họ đang đứng trước nguy cơ không có việc làm dù tại thời điểm trúng tuyển, đây là ngành học thời thượng và lấy điểm rất cao. Chị có lời khuyên nào cho các bạn này?
Những bạn vào học ngành Chứng khoán trong các trường đại học là các bạn đã lựa chọn một chuyên ngành nhiều rủi ro. Bởi vì đây là một ngành học hẹp, thuộc chuyên ngành Quản trị kinh doanh, nằm trong khối ngành Kinh tế. Đã là một chuyên ngành hẹp thì những sinh viên sẽ khó thích nghi và bắt kịp “nhịp” của những ngành khác trong cùng khối.
Đối với các sinh viên năng động và thực sự yêu thích chuyên ngành này, tôi nghĩ các bạn vẫn có nhiều cơ hội tốt rộng mở. Với nhiều sinh viên khác thì các bạn hẳn cũng đã định hướng mình sẽ theo nghề nằm trong khối Kinh tế.
Vì vậy, các bạn cần tìm hiểu những môn học cơ bản của khối ngành này và chủ động tiếp cận, học tập ngay từ khi đang ngồi trên ghế giảng đường. Hiện nay, việc học tín chỉ cho phép sinh viên có những môn học tự chọn.
Và nhiệm vụ của các bạn là tìm hiểu kỹ, có thể qua sách báo, thầy cô để biết được những môn học kỹ năng nào là cần thiết, đủ để bạn có khả năng “nhảy” sang lĩnh vực khác khi cần. Như vậy, sinh viên đã tự mở rộng cơ hội việc làm của mình.
Những ngành học nào mà chị dự đoán sẽ cần một khối lượng nhân lực lớn và có cơ hội phát triển?
Theo tôi, trong tương lai gần khối ngành Kinh tế vẫn rất quan trọng và cần một nguồn nhân lực lớn bởi đất nước đang trong giai đoạn xây dựng và phát triển. Việc công nghiệp hóa, hiện đại hóa cũng cần một lượng kỹ sư có tay nghề cao để làm việc trong ngành công nghiệp.
Tôi muốn nhắc đến ngành Sinh học bao gồm Công nghệ sinh học, Môi trường, Dược liệu,… sẽ cho sinh viên một nghề nghiệp có nhiều cơ hội phát triển trong tương lai. Bởi sắp tới và về lâu dài, chúng ta có rất nhiều vấn đề cần giải quyết liên quan đến lĩnh vực này như biến đổi khí hậu, ô nhiễm, rác thải, bệnh tật. Tuy nhiên, lựa chọn những ngành học này đòi hỏi sự “dũng cảm” của sinh viên bởi các bạn lúc nào cũng sẽ phải đối mặt với những vấn đề mới nảy sinh và phải sáng tạo không ngừng trong lao động.
Xin cảm ơn chị!