Khi tất cả báo thức cùng reo vào 19h30 ngày thường trong tuần, điện thoại của mọi thành viên phải được cất vào giỏ.
Kristin Gambaccini ở thành phố Medina, bang Ohio, Mỹ chia sẻ trên trang Scary Mommy kinh nghiệm nuôi dạy 8 con.
Mười người cùng chia sẻ không gian dưới một mái nhà nhỏ đồng nghĩa với việc sự riêng tư là thứ vô cùng xa xỉ. Chỉ khi dùng nhà vệ sinh, nhà tắm hay thay quần áo, mỗi người mới ở trong khu vực riêng, không bị bao quanh bởi các thành viên khác. Tuy nhiên, ngoài sự riêng tư, có một thứ khác cũng xa xỉ không kém trong nhà tôi, đó là thiết bị điện tử.
Nhờ điện thoại thông minh, tôi có thể dễ dàng liên lạc với các con chỉ sau vài giây. Tôi cảm thấy yên tâm khi chúng cũng có thể gọi cho tôi ngay lập tức nếu gặp rắc rối và cần mẹ giúp đỡ.
Tuy nhiên, tôi không thể chịu được khi phải nhìn con cắm mặt vào điện thoại và không ngẩng lên ngay cả khi đang nói chuyện trực tiếp với tôi. Tôi ghét điện thoại vì chứa quá nhiều ứng dụng và trò chơi điện tử. Tôi thất vọng khi con ra ngoài chơi với bạn nhưng mỗi người lại ôm một chiếc điện thoại để trò chuyện với người khác.
Tôi không nghĩ sẽ có nguyên tắc bất di bất dịch để áp dụng với mọi gia đình. Vợ chồng tôi đã tự đặt ra một số nguyên tắc trong nhà sau khi con trai cả nhận được chiếc điện thoại đầu tiên vài năm về trước. Những nguyên tắc này phù hợp với gia đình tôi và vẫn được thực hiện nghiêm túc cho đến bây giờ.
Điều quan trọng cần lưu ý là các con tôi không được dùng điện thoại cho đến năm lớp 7 hoặc 8. Chúng tôi nghĩ đây là độ tuổi các con đủ trưởng thành để biết kiểm soát và chịu trách nhiệm, cũng như hiểu và tôn trọng 6 nguyên tắc cơ bản trong gia đình.
1. Không dùng điện thoại tại bàn ăn.
Quy tắc này không có ngoại lệ. Ngay cả phụ huynh cũng phải tuân thủ.
2. Không dùng điện thoại trong thời gian làm bài tập về nhà.
Các con cần tập trung vào nhiệm vụ chính. Học tập luôn là ưu tiên hàng đầu.
3. Không được chơi game vào ngày trong tuần, chỉ được chơi vào cuối tuần sau khi hoàn thành việc nhà.
Các ngày trong tuần, ngoài việc học ở trường, trẻ còn tham gia hoạt động ngoại khóa, chơi thể thao, thực hiện các nghĩa vụ trong gia đình. Do đó, chúng không thể bớt xén thời gian để chơi game.
Trong nhà tôi, thời gian chơi game được xem như một “chiến lợi phẩm” mà mỗi người phải tự giành lấy thông qua việc hoàn thành đầy đủ trách nhiệm.
4. Điện thoại của tất cả thành viên phải đặt báo thức 19h30 vào ngày thường trong tuần.
Khi chuông 19h30 kêu, thời gian sử dụng thiết bị điện tử kết thúc và mọi người phải mang điện thoại, máy tính bảng cất vào giỏ ngay lập tức. Không có lý do nào được chấp nhận.
Tôi tin chắc rằng trẻ cần rời thiết bị điện tử từ sớm để có giấc ngủ chất lượng hơn. Vợ chồng tôi giữ bộ sạc trong phòng riêng và có ổ cắm phụ để các con sử dụng. Nếu buổi tối khá rảnh, trẻ có thể đi đọc sách thay vì nghịch điện thoại.
5. Không dùng điện thoại vào sáng sớm khi chưa chuẩn bị sẵn sàng để đến trường.
Nếu ai lỡ mất chuyến xe buýt vì mải cắm cúi xem điện thoại và không để ý thời gian, người đó nên đi bộ tới trường và phải thật nhanh để kịp vào lớp.
Các con tôi từng phải đi bộ tới trường giữa trời mưa và lạnh. Tuy nhiên, sau khi phải chịu hậu quả, chúng không còn lặp lại lỗi như lần trước.
6. Điện thoại không phải tài sản của con.
Bố mẹ bỏ tiền ra mua điện thoại và trả hóa đơn hàng tháng, do đó điện thoại thuộc quyền sở hữu của bố mẹ. Các con phải xin phép trước khi tải xuống bất kỳ trò chơi hoặc ứng dụng nào. Mẹ cần ghi mật khẩu điện thoại của các con ra giấy. Nếu mẹ muốn tải ứng dụng theo dõi như GPS Tracker, đó cũng là quyền của mẹ.
Rõ ràng, sự riêng tư không tồn tại khi nói đến thiết bị điện tử trong nhà tôi. Chúng tôi kiểm tra điện thoại của các con hàng đêm. Chúng tôi đọc tin nhắn và lướt qua các ứng dụng. Tuy nhiên, chúng tôi không làm điều này với thái độ trịch thượng hay tọc mạch. Chúng tôi làm thế vì tình yêu và mong muốn bảo vệ các con. Chúng có cảm thấy phiền không? Chắc chắn là có. Nhưng chúng tôi vẫn không thay đổi các nguyên tắc.
Thiết bị hình chữ nhật nằm nhỏ gọn trong tay bọn trẻ nắm giữ quá nhiều quyền năng. Có rất nhiều thứ chúng tôi không kiểm soát được trong đó. Quá nhiều nỗi lo mà tôi tin mọi phụ huynh đều có thể đồng cảm. Không có lần nào nghe tin tức mà tôi không bắt gặp một câu chuyện rùng rợn liên quan đến trẻ em, Internet và kẻ bệnh hoạn nào đó. Hoặc những đứa trẻ tự làm hại bản thân do bị bắt nạt trực tuyến và vấn đề không thể giải quyết nếu bố mẹ, nhà trường và chính quyền không biết để ngăn chặn.
Chúng ta có thể tin rằng các con đủ thông minh và chín chắn để tự đưa ra lựa chọn đúng đắn khi phải đối mặt với những tình huống đáng sợ qua mạng. Nhưng tỷ lệ có phải 100% hay không? Chúng ta có cần mạo hiểm? Tôi nghĩ câu trả lời là không.
Tôi hoàn toàn hài lòng với việc làm một bà mẹ khắt khe như hiện tại. Rất có thể một ngày nào đó trong tương lai, các con sẽ biết ơn tôi vì điều đó.