Notice: Undefined index: HTTP_ACCEPT_LANGUAGE in /home/gconnect/public_html/index.php on line 16
Nhập nhằng liên kết quốc tế - Du học Thụy Sỹ | Quản trị khách sạn | GConnect Hospitality Education

Nhập nhằng liên kết quốc tế

Chỉ được cấp phép hoạt động cho chương trình này nhưng lại quảng cáo, chiêu sinh cho các chương trình khác nhằm thu hút đông người học đang là thực trạng diễn ra ở nhiều trung tâm đào tạo có yếu tố nước ngoài tại TP.HCM.

Cách phổ biến nhất hiện nay là mở các khóa đào tạo để tích lũy tín chỉ, giúp học viên đủ điều kiện nhận bằng của các trường nước ngoài. Điều đáng nói là việc mở các khóa đào tạo này hoặc liên kết để cấp bằng cho học viên tại Việt Nam đều chưa được cấp phép.

ILA liên kết đào tạo không phép

Ngày 13.11, chúng tôi có mặt trong một hội thảo về chương trình Global Diploma In Commerce do Trung tâm dạy nghề kinh doanh ILA (thuộc Công ty TNHH ILA Việt Nam) tổ chức tại số 51 Nguyễn Cư Trinh, Q.1, TP.HCM. Trao đổi với chúng tôi sau buổi hội thảo, một nhân viên tư vấn cho biết nơi này tổ chức học tích lũy tín chỉ và cấp bằng. Chỉ cần học 20 tuần (học phí 122 triệu đồng), học viên sẽ nhận được bằng Diploma In Commerce có giá trị quốc tế và có thể học chuyển tiếp với nhiều trường ĐH ở nước ngoài: Murdoch (Úc), Northeastern (Mỹ)… Số lượng tín chỉ học tại ILA tương đương với một năm học đầu tiên tại các trường ĐH ở nước ngoài.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, các trường ĐH nước ngoài nêu trên đều là đối tác của Học viện Giáo dục ĐH Kaplan (Singapore). ILA liên kết với Học viện Kaplan tuyển sinh chương trình Global Diploma In Commerce (Văn bằng toàn cầu về thương mại). Điều đáng nói là đến nay Bộ GD-ĐT chưa hề cấp phép cho chương trình liên kết đào tạo này giữa ILA và Học viện Kaplan. Trước đó, Bộ GD-ĐT chỉ cấp phép chương trình liên kết giữa Học viện Kaplan với Trường ĐH Sài Gòn. Trường ĐH Sài Gòn đã chuẩn bị đầy đủ mọi thứ, từ lên kế hoạch chương trình, ký kết hợp tác, cử giảng viên sang Học viện Kaplan tập huấn… Nhưng khi chương trình chưa diễn ra, đối tác Kaplan đã tự ý “bê nguyên xi” chương trình sang ILA để tuyển sinh.

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Phạm Ngọc Thanh, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết nơi này chỉ cấp phép cho ILA đào tạo Anh ngữ. Mới đây, ILA có xin phép mở rộng ngành nghề tại Sở Kế hoạch – Đầu tư TP.HCM nhưng Sở GD-ĐT chưa hề có bất kỳ văn bản nào đồng ý cho ILA đào tạo ngành nghề khác.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngày 15.11 vừa qua, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM có cấp phép cho ILA đăng ký bổ sung hoạt động dạy nghề gồm 7 ngành mới. Ngày 9.11, UBND TP.HCM cũng cấp giấy chứng nhận đầu tư (thay đổi lần thứ 5) cho ILA với một số ngành nghề được bổ sung. Tuy nhiên, trong giấy chứng nhận này có nói rõ: “Chương trình đào tạo phải được Bộ GD-ĐT của Việt Nam phê chuẩn; Doanh nghiệp chỉ được phép tuyển sinh và đào tạo học sinh Việt Nam sau khi đã đăng ký và được cơ quan đào tạo có thẩm quyền cấp bằng văn bản…”. Mặt khác, hiện tại Bộ GD-ĐT chưa đồng ý cấp phép việc liên kết này, dù chỉ là chương trình tích lũy tín chỉ. Như vậy, dù chưa được cho phép chính thức nhưng ILA đã tổ chức hội thảo, giới thiệu chiêu sinh chương trình.

Đó là chưa kể ILA hiện nay vẫn đang có chương trình đào tạo nghiệp vụ quản trị kinh doanh theo chương trình của Martin College (Úc). Dù giấy phép bổ sung ngành nghề đào tạo do UBND TP.HCM và Sở LĐ-TB-XH TP.HCM mới cấp vào tháng 11.2011 nhưng ILA đã đào tạo ngành quản trị kinh doanh trong 6 năm qua. Theo đúng giấy phép hoạt động, trước tháng 11.2011, ILA chỉ được phép đào tạo ngoại ngữ.

Ngắn hạn thành dài hạn

Chỉ được cấp phép đào tạo ngắn hạn nhưng nhiều trung tâm lại chiêu sinh cả chương trình cử nhân ĐH và CĐ. Trung tâm Raffles mà Báo Thanh Niên từng đề cập là một điển hình. Học viên học theo tín chỉ, khi đủ điều kiện sẽ được cấp bằng CĐ. Nếu muốn, học viên sẽ tiếp tục học để tích lũy đủ số tín chỉ và nhận bằng ĐH từ các trường đối tác.

Trường kinh doanh Melior (97 Nguyễn Văn Trỗi, Q.Phú Nhuận) cũng tương tự khi “lách luật” bằng cách đào tạo theo tín chỉ, nếu tích lũy đủ 15 tín chỉ sẽ được trường “mẹ” cấp bằng CĐ. Trường này quảng bá tuyển sinh, đào tạo bậc CĐ quản trị kinh doanh, quản trị marketing, quản trị du lịch và khách sạn trong khi Sở LĐ-TB-XH TP.HCM chỉ cấp phép cho trường đào tạo nghề ngắn hạn.

Không còn cá biệt

Theo báo cáo nhanh của Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM, nhiều viện, trung tâm liên kết đào tạo sai quy định.

Chương trình liên kết đào tạo của Viện Kế toán và quản trị doanh nghiệp (IABM) với ĐH quốc tế Adam và ĐH Quốc tế Mỹ (IAU) đều chưa được cấp phép. Đó là chưa kể các trường ĐH nước ngoài này cũng không được các cơ quan kiểm định giáo dục có thẩm quyền của Mỹ công nhận. Chương trình liên kết giữa Viện Quản trị và tài chính (IFA) với ĐH Ballarat (Úc) cũng không có tên trong danh mục được cấp phép của Bộ GD-ĐT. Chương trình liên kết thạc sĩ quản lý giữa Viện Nghiên cứu đào tạo công nghệ quản trị (RIMIT) với Trường ĐH Trà Vinh và Southern Leyte University of Sogod (Philippines) chỉ được phép đào tạo tại Trà Vinh nhưng lại thấy xuất hiện ở Công viên phần mềm Quang Trung (TP.HCM)!

Theo Thanh Nien Online