Để chuẩn bị cho việc đi du học, ngoài việc trau dồi Anh ngữ ở trường phổ thông, đại học – các du học sinh tương lai đều phải chuẩn bị cho mình một chứng chỉ Anh ngữ phù hợp với chương trình học tập ở nước ngoài: TOEIC, TOEFL, IELTS, GMAT, GRE, SAT… G’Connect Hospitality Education giới thiệu đến các bạn tính năng của từng loại chứng chỉ Anh ngữ.
I. TOEIC
TOEIC viết tắt của Test of English for International Communication, là một chứng chỉ tiếng Anh quốc tế về giao tiếp dành cho người đi làm không phải là người sử dụng tiếng Anh làm tiếng mẹ đẻ.
Mục tiêu của người học tiếng Anh đó là làm sao để có thể sử dụng tiếng Anh một cách hiệu quả trong môi trường làm việc hằng ngày, từ những tình huống giao tiếp cơ bản, đơn giản đến những tình huống phức tạp và chuyên môn hơn!
Hiện nay, phần lớn các công ty đều sử dụng bài thi TOEIC như một công cụ để đánh giá khả năng sử dụng tiếng Anh của cán bộ nhân viên và là tiêu chuẩn để tuyển dụng ứng viên. Vì vậy, việc học tiếng Anh theo chương trình TOEIC và việc thi chứng chỉ TOEIC đang rất được quan tâm.
Cấu trúc bài thi:
TOEIC là một bài kiểm tra trắc nghiệm bao gồm 200 câu hỏi. Những câu này chia đều cho hai phần – nghe hiểu và đọc. Bài thi kéo dài trong hai giờ. Mỗi thí sinh nhận được điểm độc lập cho hai phần thi nghe hiểu và đọc trên một thang điểm từ 5 đến 495 điểm. Tổng điểm cộng lại có thang từ 10 đến 990 điểm. Chứng chỉ TOEIC có năm màu, tùy theo kết quả: cam (10-215), nâu (220-465), xanh lá cây (470-725), xanh da trời (730-855) và vàng (860-990).
II. TOEFL
TOEFL (Test Of English as a Foreign Language), dành cho những bạn muốn thi cao học, đại học, cao đẳng… đi du học, định cưở Mỹ. TOEFL là bài kiểm tra trình độ tiếng Anh. Bài kiểm tra này bao gồm các kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết. TOEFL đánh giá kỹ năng hiểu và sử dụng tiếng Anh chuẩn Mỹ của một người đạt đến trình độ có thể sử dụng ở bậc đại học. Điểm TOEFL thường được yêu cầu khi nhập học ở hầu hết các trường đại học và cao đẳng ở Mỹ. Điểm số TOEFL có giá trị trong hai năm.
Các dạng thi TOEFL:
TOEFL trên internet (iBT)
Đây là bài thi TOEFL thế hệ mới, sử dụng internet để chuyển đề thi từ ETS về đến trung tâm tổ chức thi.
TOEFL iBT đang từng bước thay thế hoàn toàn dạng thi trên giấy (PBT) và dạng thi trên máy tính (CBT). Kỳ thi đã được tổ chức ở các quốc gia Mỹ , Canada, Pháp, Đức và Ý vào năm 2005 và các quốc gia khác vào năm 2006.
Bài thi TOEFL kéo dài trong bốn giờ và gồm có bốn phần, đòi hỏi thí sinh phải sử dụng thành thạo bốn kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết. Nội dung của bài thi tập trung vào việc sử dụng tiếng Anh trong môi trường đại học hoặc cao học. Trong khi làm bài thí sinh có thể ghi chú.
• Thang điểm cho một bài thi TOEFL iBT là 0-120 điểm.
TOEFL trên máy tính (CBT)
TOEFL trên máy tính (CBT) được tổ chức đầu tiên vào ngày 30-9-2006. Bài thi cũng được chia ra làm bốn phần: nghe, cấu trúc ngữ pháp, đọc hiểu và viết. Trong lúc làm bài thí sinh không được phép ghi chú.
Bài thi TOEFL trên máy tính (CBT) được lập trình trước để mức độ khó – dễ của câu hỏi sẽ phụ thuộc vào sự trả lời của thí sinh đối với những câu hỏi trước. Điểm số sẽ được chấm thành ba phần theo thang điểm 0-30: nghe, đọc hiểu – ngữ pháp (gộp chung) và viết. Ba phần điểm sau đó được quy đổi thành điểm cuối cùng với thang điểm từ 0-300. Điểm viết sẽ được cho biết riêng theo thang điểm 0-6.
TOEFL trên giấy (PBT)
Đây là dạng thi TOEFL cũ. Dạng này hầu như đã không còn được sử dụng trừ những khu vực không có điều kiện để thi iBT hoặc CBT.
Thang điểm tổng kết của TOEFL PBT là từ 310-677 và được quy đổi từ ba cột điểm: nghe (31-68), ngữ pháp (31-68) và đọc (31-67). Khác với CBT, điểm phần viết (TWE – Test of Written English) không được tính vào điểm tổng kết mà được cho riêng biệt với thang điểm từ 0-6.
III. IELTS
Hệ thống kiểm tra tiếng Anh quốc tế (International English Language Testing System, viết tắt là IELTS) là một bài kiểm tra về sự thành thạo Anh ngữ. Người thi có thể lựa chọn giữa hai hình thức: Academic (học thuật) hoặc General training module (đào tạo chung):
– Loại hình học thuật dành cho những ai muốn học ở bậc đại học hoặc các học viện, các hình thức đào tạo sau đại học.
– Loại hình đào tạo chung dành cho những ai muốn tham gia những khóa học nghề, muốn tìm việc làm, hoặc vì mục đích di cư.
IELTS được chấp nhận bởi phần lớn các học viện ở Australia, Anh, Canada, Ireland, New Zealand và Nam Phi, ngày càng nhiều các học viện ở Mỹ, và nhiều tổ chức nghề nghiệp.
Kết quả của kỳ kiểm tra IELTS sẽ có hiệu lực trong vòng hai năm. Và IELTS đã trở thành hệ thống kiểm tra ngôn ngữ tiếng Anh dành cho bậc sau đại học và người di cư phổ biến nhất trên thế giới.
Tất cả các thí sinh phải hoàn thành bốn phần của bài thi: nghe, đọc, viết, nói.
Thang điểm: IELTS được đánh giá trên một thang điểm chín cấp. Mỗi một mức điểm ứng với từng trình độ khác nhau, trong đó có tính đến điểm 0.5 (Ví dụ như 6.5 hay 7.5).
IV. GMAT
GMAT (Graduate Management Admission Test) là một bài thi linh hoạt được tiêu chuẩn hóa thực hiện trên máy tính với toán và tiếng Anh để đánh giá khả năng bẩm sinh thành công trong lĩnh vực học thuật bậc trên đại học.
Các trường về kinh tế thường sử dụng bài kiểm tra này như là một trong nhiều tiêu chí lựa chọn đầu vào cho chương trình quản trị kinh doanh bậc trên đại học (như là: MBA, Master of Accountancy,…) chủ yếu là ở Mỹ và cả một số nước nói tiếng Anh khác nữa. Bài thi được gửi qua đường máy tính đến các địa điểm trên toàn thế giới. Ở những địa điểm quốc tế, nơi chưa thiết lập mạng máy tính, bài thi GMAT hoặc được thực hiện trên máy tính tại chỗ với một bảng câu hỏi giới hạn hay là được thực hiện trên giấy (được thực hiện một hoặc hai lần một năm) ở những địa điểm thi tại nơi đó.
• Tiêu chuẩn đánh giá GMAT:
Các bài thi GMAT đánh giá qua các từ, toán học cơ bản, khả năng phân tích mà bạn tiếp thu được qua suốt thời gian đi học và làm việc.
V. GRE
GRE (Graduate Record Examination) là một hệ thống kiểm tra, đánh giá nhằm giúp cho các trường đại học, các cơ quan tài trợ đánh giá một cách đúng đắn năng lực của các ứng cử viên về ba năng lực cơ bản là ngôn ngữ (verbal), toán học (quantative) và viết luận (analytical writing).
Hầu hết các trường đại học danh tiếng của Mỹ đều yêu cầu ứng viên phải tham dự kỳ thi này. Kết quả của kỳ thi này cộng với điểm học trong quá trình đại học sẽ là một trong những cơ sở để nhân viên xét tuyển quyết định chấp nhận hay từ chối một ứng viên vào chương trình sau đại học của khoa/trường mình.
Thang điểm của các phần thi như sau:
– Phần toán: điểm từ 200-800, khoảng cách giữa các mức điểm cạnh nhau là 10
– Phần ngôn ngữ: điểm từ 200-800, khoảng cách gữa các mức điểm cạnh nhau là 10
– Phần viết: điểm từ 0-6, khoảng cách giữa các mức điểm cạnh nhau là 0.5
Thời gian dành cho kỳ thi là 3 giờ 45 phút.
• Xem thêm: So sánh kỳ thi GMAT và GRE
VI. SAT
SAT (Scholastic Aptitude Test) là bài thi kiểm tra khả năng của học sinh trung học được sử dụng phổ biến nhất để kiểm tra đầu vào của các trường cao đẳng và đại học trên thế giới.
Hầu hết các trường cao đẳng và đại học ở Mỹ đều dựa vào SAT để đánh giá khả năng suy luận của học sinh trung học cho việc học ở các bậc học cao hơn. SAT đánh giá các kỹ năng phân tích và xử lý tình huống của học sinh trung học. SAT đồng thời cũng đánh giá kỹ năng phân tích và giải quyết vấn đề – kỹ năng mà học sinh học được từ trường cấp 2 và cấp 3. Những thí sinh của kỳ thi SAT thường là học sinh lớp 11 hoặc 12.
SAT không phải là bài thi kiểm tra trình độ tiếng Anh như TOEFL hay IELTS. SAT là bài thi kiểm tra khả năng đọc suy luận, viết và toán học của học sinh. Bài thi được thực hiện bằng tiếng Anh. Do đó, yêu cầu chung cho tất cả học sinh tham dự là phải thông thạo tiếng Anh.
Nguồn: DNSGCT