Quản lý khách sạn: Những cái bắt tay chiến lược.

Doanh nghiệp trong nước thừa khả năng xây dựng những tổ hợp khách sạn đẳng cấp 5 sao với vốn đầu tư khủng. Nhưng lạ ở chỗ, đa số ông chủ Việt lại chấp nhận chia sẻ lợi ích khi phó thác việc quản lý, vận hành cho những tập đoàn quản lý khách sạn danh tiếng quốc tế. Điều gì đã khiến mối quan hệ này trở nên bền chặt?

Tiềm lực của những ông chủ Việt

Hơn một thập kỷ trước, đầu tư khách sạn 5 sao vốn là “lãnh địa” của các doanh nghiệp nước ngoài. Những khách sạn danh tiếng ở Hà Nội như Sofitel Metropole, Hilton, InterContinental Westlake hay Caravelle, Sheraton tại TP. Hồ Chí Minh, đều do nước ngoài bỏ vốn đầu tư. Phía Việt Nam tham gia liên doanh đơn thuần chỉ là góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Nhưng, “cuộc chơi” giờ đã thay đổi.

Những tập đoàn trong nước như Vingroup, Sun Group hay Bitexco hiện đã lớn mạnh và đủ tiềm lực để xây dựng những khách sạn quy mô lớn theo tiêu chuẩn 5 sao quốc tế. Không những tự xây dựng, một số ông chủ Việt còn thâu tóm cả những khách sạn do Tây đầu tư như BRG mua lại khách sạn 5 sao Hilton Hanoi còn Sovico Holdings thâu tóm khu nghỉ dưỡng Furama Resort…

 Quản lý khách sạn: Những cái bắt tay chiến lược - 1

Nổi bật trong lĩnh vực đầu tư khách sạn phải kể đến Sun Group. Dự án đầu tay của “đại gia” này là khu nghỉ dưỡng InterContinental Danang Sun Peninsula Resort với 198 phòng nghỉ. Năm ngoái, khách sạn này được trao giải “Khu nghỉ dưỡng sang trọng nhất thế giới” của World Travel Award, đủ để cho thấy tầm vóc của ông chủ Việt không thua gì các tập đoàn đầu tư quốc tế.

Sun Group cũng là chủ đầu tư khách sạn Novotel Premier Han River cao 38 tầng như một biểu tượng giữa trung tâm thành phố Đà Nẵng; đồng thời, là nhà phát triển khu nghỉ dưỡng Premier Village với 118 biệt thự như một tuyệt tác nghỉ dưỡng. Đặc biệt, giữa năm tới, Sun Group sẽ khai trương thêm hai tổ hợp khu nghỉ dưỡng khách sạn hạng sang ở Phú Quốc là The Sebel Phu QuocPremier Village Phu Quoc Resort.

 Quản lý khách sạn: Những cái bắt tay chiến lược - 2

Đủ tiềm lực để đầu tư những khách sạn sang trọng nhất thế giới, nhưng lạ ở chỗ, nhiều ông chủ Việt lại không tự làm mà chấp nhận trả chi phí cao để mời các tập đoàn quản lý khách sạn danh tiếng quốc tế đứng ra quản lý và vận hành. Đa phần các chủ đầu tư lựa chọn những “ông lớn” như AccorHotels, IHG hoặc Starwoods

 Quản lý khách sạn: Những cái bắt tay chiến lược - 3

Quy mô hơn, Sun Group vừa ký thỏa thuận hợp tác chiến lược với Accor Hotels để tập đoàn này quản lý chuỗi khách sạn và khu nghỉ dưỡng của Sun Group sắp khai trương dưới thương hiệu cao cấp như The Sebel Phu Quoc, Premier Village Phu Quoc Resort và một số khách sạn tại Đà Nẵng và Sapa. Hiện tại, AccorHotels đang quản lý khách sạn của Sun Group là Novotel Premier Han River và Premier Village Danang Resort.

Những cái bắt tay chiến lược

Đã có kinh nghiệm nhiều năm đại diện cho phía Việt Nam trong liên doanh khách sạn InterContinental Westlake và hiện là Phó Tổng giám đốc khách sạn JW Marriott Hanoi, ông Nguyễn Viết Tạo cho rằng, quản lý khách sạn không đơn thuần là những tiêu chuẩn và kỹ năng thông thường mà là công nghệ và bí quyết mà doanh nghiệp trong nước khó nắm bắt được. Vì thế, thuê Tây quản lý, nhất là những tập đoàn danh tiếng thế giới, là sự lựa chọn hợp lý và khôn ngoan của các ông chủ Việt.

 Quản lý khách sạn: Những cái bắt tay chiến lược - 4

Ông Tạo chỉ ra rằng, lợi ích lớn nhất khi thuê Tây quản lý là đảm bảo được nguồn khách. Hiện tại, một số công ty trong nước có thể quản lý được những khách sạn tiêu chuẩn trung bình, nhưng những khách sạn hạng sang và quy mô lớn muốn đông khách và bán được giá cao thì phải hướng đến nguồn khách quốc tế.

Trong khi đó, các tập đoàn như AccorHotels, InterContinental… có mạng lưới tiếp thị toàn cầu nên dễ dàng tiếp cận nguồn khách quốc tế đa dạng. Đơn cử, AccorHotels là một trong những tập đoàn quản lý khách sạn lớn nhất thế giới và hiện đang quản lý 3.800 khách sạn tại 92 quốc gia, với các thương hiệu như Sofitel, Pullman, Novotel, MGallery. Theo ông Patrick Basset, Giám đốc điều hành AccorHotels khu vực Đông Nam Á và Đông Bắc Á, với các kinh nghiệm tại thị trường quốc tế, AccorHotels luôn nỗ lực phát triển các tiêu chuẩn dịch vụ tốt nhất và thực hiện các giải pháp tiếp thị chuyên nghiệp, khác biệt, tạo nên sự trải nghiệm tuyệt với cho du khách tại các khách sạn do AccorHotels quản lý.

 Quản lý khách sạn: Những cái bắt tay chiến lược - 5

Cũng theo ông Tạo, trong kinh doanh khách sạn, thương hiệu đóng vai trò cực kỳ quan trọng, bởi du khách thường trung thành với những khách sạn có thương hiệu quen thuộc. Những thương hiệu khách sạn thế giới thường có bề dày kinh nghiệm hàng trăm năm, nên có lượng khách hàng thường xuyên rất lớn. Vì thế, gắn thương hiệu quốc tế cho khách sạn là một trong những yếu tố hấp dẫn khách thuê, từ đó đảm bảo doanh thu bền vững.

Hơn nữa, với các tiêu chuẩn áp dụng chung cho cả hệ thống trên toàn cầu, các khách sạn tại Việt Nam luôn duy trì được tiêu chuẩn và chất lượng quốc tế. Ông Tạo bật mí, duy trì chất lượng dịch vụ là bí quyết mà chỉ có những tập đoàn toàn cầu mới có thể làm được. Kinh doanh khách sạn là kinh doanh lòng hiếu khách, mà cung cách phục vụ, chào hỏi… như thế nào để đem lại sự hài lòng tối đa cho khách hàng thì quản lý Tây có lợi thế lớn hơn người Việt. Đặc biệt, quản lý Tây còn mang đến cho khách sạn họ vận hành một giá trị vô hình là gia tăng giá trị bất động sản theo thời gian. Những khách sạn nào gắn thương hiệu quốc tế, kinh doanh tốt thì giá trị càng cao.

Chính vì thế, bắt tay được với tập đoàn quản lý khách sạn quốc tế thì coi như đã nắm chắc thành công về mặt kinh doanh. Tuy nhiên, ông Tạo cho biết, không dễ thuyết phục các tập đoàn quản lý danh tiếng quốc tế, bởi họ rất khắt khe trong việc lựa chọn dự án. Họ không những đòi hỏi dự án có vị trí tốt, mà còn phải được đầu tư chỉn chu và đẳng cấp theo tiêu chuẩn riêng. Chính vì thế, suất đầu tư để khách sạn gắn được thương hiệu quốc tế rất đắt và chỉ những chủ đầu tư có tiềm lực, có tầm nhìn quốc tế mới hợp tác được với những tập đoàn như AccorHotels hay Marriott.

(Theo Khám phá)