Theo thống kê, sau 3 năm hoạt động, có đến 80% nhà hàng phá sản, 10% duy trì “cầm chừng” và chỉ có 10% là thành công đúng nghĩa. Tại sao tỷ lệ thất bại lại chiếm đến 80%?
Nghiên cứu cho thấy quản lý kém hiệu quả là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến con số đáng buồn trên. Vậy quản lý nhà hàng thế nào là hiệu quả, dựa trên kiến thức sách vở hay kinh nghiệm thực tế?
Kinh nghiệm có giúp bạn quản lý hiệu quả?
Cũng như vị trí quản lý ở bất kỳ ngành nghề nào, để có thể đảm nhiệm vai trò chủ quản cả một hệ thống làm việc bao gồm nhiều cấp bậc nhân viên và quy trình hoạt động phức tạp, quản lý nhà hàng buộc phải là người có kinh nghiệm. Chỉ khi thông qua trải nghiệm thực tế, “vào sinh ra tử” với nghề, vấp phải nhiều sai sót và tự rút ra bài học, bạn mới có thể tích lũy đủ kinh nghiệm để quản lý người khác.
Không phải ngẫu nhiên mà ngày càng có nhiều quản lý nhà hàng với xuất phát điểm đi từ các vị trí thấp như phục vụ bàn, phụ bếp, nhân viên tổ chức sự kiện, thậm chí là gác cổng. Hiểu biết sâu sắc về mọi vị trí trong nhà hàng giúp họ nắm rõ quy trình hoạt động của từng bộ phận, đồng cảm với thử thách, khó khăn của từng cấp bậc nhân viên và xử lý ổn thỏa các sự cố, khủng hoảng trải nghiệm của thực khách. Trên cơ sở trải nghiệm cá nhân, quản lý nhà hàng sẽ biết phân bổ, sắp xếp công việc một cách khoa học và xây dựng đội ngũ nhân viên dưới quyền làm việc hiệu quả, có trách nhiệm.
Quản lý nhà hàng có thể xuất phát từ vị trí nhân viên phục vụ
Tuy nhiên, nếu bạn là chủ đầu tư kiêm vai trò quản lý, hoặc bạn được thăng tiến lên cấp bậc quản lý do có thâm niên làm việc tại nhà hàng, nhiều khả năng bạn sẽ không nắm được những kiến thức cần thiết chuyên sâu về các khía cạnh như marketing trong ngành dịch vụ ẩm thực, chiến lược quản lý thương hiệu, quản trị chất lượng phục vụ… Dư thừa kinh nghiệm nhưng thiếu hụt kiến thức chuyên môn, tầm nhìn bó hẹp sẽ khiến bạn gặp khó khăn trong việc vạch ra kế hoạch quản lý kinh doanh phù hợp.
Kiến thức chuyên ngành có cần thiết?
Có người cho rằng, để trở thành lãnh đạo thì kinh nghiệm thực tế quan trọng hơn kiến thức sách vở. Tuy nhiên, quản lý nhà hàng là công việc đòi hỏi trái tim lẫn khối óc. Kiến thức chuyên ngành là nền tảng vững chắc giúp bạn xử lý vấn đề và vạch ra chiến lược điều hành một cách khoa học hơn là chỉ dựa trên kinh nghiệm sẵn có hoặc nghe theo bản năng.
Kiến thức từ sách vở, trường lớp cũng thật sự cần thiết đối với các nhà quản lý
Thực tế cho thấy, sở hữu bằng cấp quản trị tại các trường đào tạo nghiệp vụ uy tín là cách thức rất tốt để trở thành quản lý nhà hàng, bởi kiến thức sâu rộng bạn tích lũy trong quá trình học tập sẽ bao quát các hoạt động của nhà hàng, giúp bạn nắm rõ các phương thức quản trị, tài chính và bồi dưỡng khả năng hoạch định chiến lược kinh doanh.
Quản lý nhà hàng bằng kinh nghiệm và học thuật
Kinh nghiệm và kiến thức luôn song hành với nhau. Trong lĩnh vực quản lý nhà hàng cũng thế. Việc bạn dành thời gian đọc 100 quyển sách về chuyên ngành Nhà hàng không thể nào so với một tháng làm việc trong môi trường thực tế, cũng như bạn không thể hoạch định chính xác mục tiêu phát triển của cả nhà hàng nếu chỉ là một phụ bếp có thâm niên.
Có thể dễ dàng nhận thấy nhiều quản lý có thâm niên trong nghề vẫn tham gia các khóa học về quản trị để làm dày nền tảng kiến thức, cũng như nỗ lực trang bị cho mình một bằng cấp, chứng chỉ hành nghề chính thống. Nhìn chung, với một người vừa có kinh nghiệm thực tiễn, vừa được đào tạo bài bản sẽ có hai hướng đi: một là tìm kiếm nhà hàng quy mô phù hợp khả năng để tự ứng cử, hai là đầu tư mở nhà hàng riêng. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến khích người vừa có kinh nghiệm, vừa có bằng cấp nên “thử lửa” một vài năm ở vị trí quản lý nhà hàng trước khi tự đứng ra kinh doanh.
Có thể thấy, để quản lý thành công một nhà hàng thì kinh nghiệm thực tiễn hay hiểu biết chuyên môn đều quan trọng như nhau. Làm thế nào để tạo dựng nền tảng kiến thức chuyên môn thật vững vàng? Một khóa học với chương trình đào tạo đào sâu kiến thức chuyên ngành Nhà hàng là tất cả những gì bạn cần.