Vài kinh nghiệm xin visa Mỹ thành công ít người nói với bạn

Mỗi đương đơn chỉ có vài phút phỏng vấn nên họ hỏi gì bạn trả lời nấy, đừng giải thích dài dòng và cần rõ ràng, nhanh, dứt khoát.

Mỹ là một trong những nước khó xin visa nhất thế giới, đòi hỏi các đương đơn phải chuẩn bị rất nhiều giấy tờ liên quan và đặc biệt là vấn đề tâm lý. Với kinh nghiệm đã 3 lần xin visa Mỹ thành công cho bản thân với các mục đích khác nhau như đi học, du lịch, đi làm ngắn hạn và xin visa cho đoàn học sinh hàng chục người dự trại hè, cộng với kinh nghiệm từng đi hơn 60 nước trên thế giới, thầy giáo Nguyễn Ngọc Lâm, giảng viên tiếng Anh, Phó trưởng Khoa tiếng Anh chuyên ngành, Đại học Hà Nội, đã có những chia sẻ một số kinh nghiệm giúp những người có ý định xin visa Mỹ dạng không định cư trong thời gian tới.

Nước Mỹ là điểm đến du lịch và du học của nhiều người, nhưng việc xin visa không phải lúc nào cũng thuận tiện.

Nước Mỹ là điểm đến du lịch và du học của nhiều người, nhưng việc xin visa không phải lúc nào cũng thuận tiện.

Trước hết, bạn cần biết visa vào Mỹ được chia làm hai loại: visa định cư và không định cư. Trong bài viết này, sẽ chỉ là các thông tin về visa không định cư bao gồm visa du học, công tác, du lịch, thăm thân…

Nhìn chung, nguyên tắc phỏng vấn visa là tại thời điểm phỏng vấn, các viên chức lãnh sự đều mặc định hiểu rằng bạn (đương đơn) đang có ý định ở lại Mỹ. Vì vậy, việc của đương đơn cần làm đó là chứng minh điều ngược lại. Nếu viên chức lãnh sự được thuyết phục bởi sự chứng minh ấy, họ sẽ đồng ý cấp visa cho bạn.

Câu trả lời chung cho hầu hết visa xin vào các nước đều nằm trong 3 mảng chính, đó là:

– Thông tin cá nhân: tình trạng hôn nhân, quan hệ gia đình, họ hàng, nhân thân…

– Khả năng tài chính: sở hữu bất động sản, sổ tiết kiệm, thu nhập…

– Công việc: hợp đồng lao động, đăng ký kinh doanh, quyết định bổ nhiệm…

Bạn cần chuẩn bị thật chỉn chu và đầy đủ những giấy tờ trên. Một điều ngạc nhiên là khi phỏng vấn visa Mỹ, rất ít khi viên chức lãnh sự yêu cầu xem những giấy tờ đó, họ chỉ cần liếc mắt xem bạn mang đi những gì, chuẩn bị có kỹ không, cách bạn xếp giấy tờ ra sao là đánh giá được tính cách của bạn rồi.

Bạn nên để 3 loại giấy tờ gọn gàng vào 3 túi nhựa trong suốt, cần loại nào bạn nhanh chóng lấy ra loại đó, tránh lóng ngóng kiếm tìm giấy tờ sẽ rất mất điểm.

Ngoài phần “cứng” là giấy tờ, phần “mềm” là phong cách, thái độ và cách ăn mặc trong buổi phỏng vấn cũng rất quan trọng, sẽ quyết định phần lớn sự thành công của bạn. Thực ra, khi bạn nộp đơn qua mạng, họ đã gần như quyết định đến 80% visa của bạn có được cấp hay không rồi, buổi phỏng vấn chỉ là thêm 20% mà thôi. Vì vậy hãy thật bình tĩnh, tự tin và tự nhiên để có được cảm tình từ viên chức lãnh sự.

Hãy lưu ý rằng tất cả viên chức lãnh sự đều có thể hiểu và nói được tiếng Việt nên bạn có thể phỏng vấn bằng tiếng Anh hoặc tiếng Việt, nhưng nếu bằng tiếng Anh sẽ thuyết phục hơn. Đặc biệt, họ đều được đào tạo rất vững về tâm lý học. Bạn sẽ được quan sát (qua camera an ninh) ngay từ khi bước vào cổng đến lúc xếp hàng, lấy vân tay, ngồi đợi đến lượt phỏng vấn. Tất cả những biểu hiện bất thường về cử chỉ hay nét mặt đều được ghi nhận và đánh giá trước khi bạn vào phỏng vấn trực tiếp. Bạn phải thật thoải mái, không căng thẳng. Nên đem theo tờ báo hay quyển sách để ngồi đọc trong lúc chờ đợi, tránh việc lấy hồ sơ ra xem đi xem lại kiểu dò bài trước khi thi hoặc buôn chuyện với những đương đơn khác. Khi đến lượt phỏng vấn, nên chủ động bước tới cười tươi và chào ngắn gọn (Ví dụ: Good morning/ Xin chào Ngài). Nhiều người vì quá hồi hộp mà quên nguyên tắc ứng xử quan trọng này.

Kết quả hình ảnh cho Vài kinh nghiệm xin visa Mỹ thành công ít người nói với bạn

Khi được hỏi, cần trả lời rõ ràng, nhanh và dứt khoát. Thông thường, mỗi đương đơn chỉ có vài phút phỏng vấn nên họ hỏi gì trả lời nấy đừng giải thích dông dài. Nếu nghe không rõ, bạn có thể hỏi lại. Với người Mỹ, họ rất coi trọng sự trung thực và lấy tiêu chí này làm thước đo hàng đầu cho việc xét visa. Họ là bậc thầy về kiểm chứng và xác nhận thông tin nên bạn đừng hy vọng qua mặt được họ. Nếu họ phát hiện bạn nói dối thì cánh cửa vào Mỹ của bạn có thể sẽ bị đóng vĩnh viễn.

Những câu hỏi của họ thường rất đơn giản và dễ hiểu, không đánh đố. Vì vậy, vấn đề thường ít nằm ở câu trả lời mà là ở cách bạn trả lời ra sao. Cứ trả lời đúng sự thật một cách tự nhiên (Ví dụ bạn có người thân ở Mỹ thì nói là có, bạn dự định đến Mỹ với mục đích gì thì nói rõ ràng và cụ thể về kế hoạch đó vì họ chỉ cần biết bạn thực sự có đi đúng mục đích hay không thôi). Đôi khi cũng có một chút may rủi trong khi phỏng vấn xin visa. Các viên chức lãnh sự dù được đào tạo như nhau nhưng họ cũng là con người nên đôi khi cũng rất cảm tính. Nhưng nếu bạn tự tin (đừng thái quá), chuẩn bị đầy đủ đúng những gì mình có và trung thực thì cho dù gặp người dễ hay khó, bạn cũng sẽ có nhiều cơ hội nhận visa hơn.

Ngay sau buổi phỏng vấn, nếu họ nói “Xin chúc mừng” hoặc “Bạn đã xong rồi” và giữ lại hộ chiếu của bạn thì tức là bạn đã thành công, nếu họ trả lại hộ chiếu tức là bạn bị từ chối. Nếu bị từ chối, bạn nên ra về ngay, không hỏi thêm. Hãy về chuẩn bị cho lần phỏng vấn lại sao cho tốt hơn nhé.

Nguồn: Sưu tầm