Notice: Undefined index: HTTP_ACCEPT_LANGUAGE in /home/gconnect/public_html/index.php on line 16
Nghề Pha chế đồ uống – Bartender - Du học Thụy Sỹ | Quản trị khách sạn | GConnect Hospitality Education

Nghề Pha chế đồ uống – Bartender

Bartender (nhân viên pha chế) là một thuật ngữ dùng để chỉ những người có khả năng chế biến ra các loại đồ uống hỗn hợp từ các thành phần khác nhau như: rượu, nước hoa quả, nước giải khát có gas hay nước tăng lực… Bartender làm việc tại các quầy bar.

Bartender là ai?
Tại Việt Nam, các bartender thường được hiểu là những người pha chế rượu. Nhưng thực chất công việc của họ không chỉ dừng lại ở đó. Các loại đồ uống đặc biệt hầu hết là sự hòa trộn tinh tế của rượu với các loại nước khác nhau. Thậm chí, một số đồ uống pha chế đặc biệt như “mocktail” còn không có thành phần rượu trong đó. Tất nhiên, để trở thành một bartender trứ danh, mỗi nhân viên pha chế đều phải biết cách trộn các loại đồ uống như thế nào cho hợp lí về cả liều lượng cũng như trình tự. Hơn thế, phong cách khi pha chế (cách cầm chai rượu hay dụng cụ lắc, cách lắc trộn hỗn hợp hay cách di chuyển khi đang pha…) cũng là một yếu tố quan trọng để đánh giá tài năng và tay nghề của từng người. Với một số loại đồ uống truyền thống và phổ biến trên toàn thế giới, người ta có cả các công thức, quy định riêng về thành phần cũng như trình tự pha chế. Do vậy, bartender phải tuyệt đối tuân thủ, dựa theo đó để pha chế. Tuy nhiên, mỗi người cũng có thể tự tạo thêm các loại đồ uống mới của riêng mình bằng cách tìm hiểu và pha trộn các loại đồ uống có mùi vị và hương vị tương thích. Hầu hết bartender chia các loại đồ uống theo thành phần của nó: các hỗn hợp có rượu được gọi chung là cocktail, trong khi các hỗn hợp không có rượu được gọi là mocktail.
 
Công việc chính của Bartender
Công việc của bartender bao gồm các công đoạn liên quan đến việc pha chế đồ uống. Họ thường làm việc theo ca tại quầy bar và kiêm luôn phục vụ các khách hàng ngồi tại đây. Họ cũng chế biến các loại nước uống theo giấy đề nghị của khách hàng mà bồi bàn/phục vụ mang tới. Một số loại đồ uống được thực hiện theo thực đơn nhưng một số khác lại được làm riêng theo yêu cầu của khách hàng. Nhân viên pha chế tại các nhà hàng, quán bar lớn thường có không gian làm việc riêng biệt, tách khỏi khu vực nhà bếp với một tủ rượu gồm đầy đủ các loại rượu cơ bản và cần thiết để pha chế cũng như các loại nước uống khác. Ngoài ra, họ cũng cần phải tự tay chuẩn bị một số loại nguyên phụ liệu để trang trí hoặc thêm vào các loại đồ uống nhằm tăng thêm mùi vị, ví dụ như các loại hoa quả, muối, đường… Không chỉ đơn thuần làm công việc pha chế, bartender còn phải tự xây dựng thực đơn đồ uống cho mỗi nhà hàng, quán bar dựa vào đặc điểm, tính chất của nơi họ làm việc cũng như đối tượng khách hàng chủ yếu tại đó. Mỗi bartender cũng cần sáng tạo thêm các loại đồ uống mới đặc trưng của quán hay của bản thân mình bằng cách thử phối hợp các đồ uống đặc biệt để tạo ra hương vị mới. Họ sẽ nghiên cứu, tự thử nếm các loại đồ uống và cân đối các thành phần để tìm ra một công thức chuẩn cho loại đồ uống mới. Một số bartender khác ngoài công việc chuyên môn thuần túy là pha chế đồ uống còn làm công việc biểu diễn nghệ thuật pha chế. Công việc này đòi hỏi trình độ kĩ thuật cũng như tay nghề rất cao để biến quá trình pha chế thành một màn biểu diễn nghệ thuật với các động tác đẹp mắt, điêu luyện.
 
Nhưng phẩm chất cần thiết :
* Vị giác tốt
Đây là yêu cầu hàng đầu và cũng là quan trọng nhất đối với một bartender. Để pha chế thành công một món đồ uống ngon, họ cần phải biết chính xác mùi vị của nó sẽ như thế nào, khi phối hợp các loại nguyên phụ liệu thì sẽ đạt được hiệu quả ra sao.
* Thẩm mĩ tốt và khéo tay
Các loại đồ uống khi được pha chế xong cần được trình bày một cách cầu kì và đẹp mắt nhằm thu hút thực khách. Chính vì vậy, óc thẩm mĩ cùng sự khéo tay sẽ giúp các bartender tạo được ấn tượng với khách về hình dáng của đồ uống.
* Hiểu biết về các loại nước uống
Nhân viên pha chế cần nắm bắt và có kiến thức về tất cả các loại thức uống, từ mùi vị cũng như tác dụng của những loại rượu, đồ uống có gas, nước hoa quả… Để đảm bảo an toàn thực phẩm cho khách khi sử dụng đồ uống, ngoài việc là một người sạch sẽ và cẩn thận, bartender cần hiểu rõ tính chất của từng loại đồ uống để có thể tìm ra cách hòa trộn chúng với nhau.
* Chính xác và linh hoạt
Với các loại đồ uống đã có công thức cụ thể và chi tiết, khi pha chế, các bartender cần phải thực hiện chính xác các yêu cầu về liều lượng cũng như trình tự. Hơn thế nữa, họ phải biết phân biệt rõ ràng từng loại đồ uống trong một danh sách dài các loại khác nhau. Tuy nhiên, không thể bỏ qua yếu tố linh hoạt khi làm việc, bởi đôi khi các bartender sẽ nhận được yêu cầu đặc biệt từ phía khách hàng và họ phải đảm bảo luôn đáp ứng tốt những nhu cầu này ở mức tối đa có thể.
* Thích nghi nhanh và giao tiếp tốt
Phải làm việc trong một môi trường được đánh giá là khá nhạy cảm nên sự khôn khéo và khả năng giao tiếp với tập thể luôn là một ưu điểm của các bartender giỏi.
* Kinh nghiệm
Đây là phẩm chất bắt buộc phải tích lũy theo thời gian làm việc của mỗi người. Càng có thâm niên cao, bartender càng có nhiều kinh nghiệm pha chế hay bí quyết sáng tạo ra các công thức đồ uống đặc biệt.
Cơ hội nghề nghiệp
Có thể nói, bartender là nghề không khó kiếm việc bởi nhu cầu của các nhà hàng, khách sạn, quán bar hiện nay là khá lớn, nhất là ở các thành phố và đô thị phát triển. Tuy nhiên, công việc này có sự khởi đầu khá vất vả và không phải ai cũng có thể theo đuổi lâu dài do mức thu nhập ban đầu khiêm tốn trong khi công việc thì vất vả. Hiện nay, tại Việt Nam, các bartender hầu như đều làm việc tự do theo ca cho nhiều nơi cùng một lúc để có thể đảm bảo mức thu nhập. Nếu bạn thực sự có khả năng, bạn có thể lựa chọn làm việc tại các địa điểm liên quan đến mảng khách sạn – nhà hàng.
Nguồn: ST