Banquet là một thuật ngữ được sử dụng khá phổ biến trong ngành khách sạn. Vậy bạn có biết Banquet là gì?
1. Banquet là gì?
Banquet là bộ phận trực thuộc khối F&B (Food & Beverage) của khách sạn, đảm nhận nhiệm vụ tổ chức các buổi hội nghị, meeting, tiệc… cho khách hàng. Vào những mùa thấp điểm du lịch khi số lượng khách thuê phòng ít đi thì Banquet là bộ phận tạo ra nguồn doanh thu chủ yếu cho khách sạn. Thường thì chỉ có những khách sạn vừa và lớn, từ 3 – 5 sao mới có bộ phận Banquet.
2. Những điều cần biết về Banquet trong khách sạn
♦ Sơ đồ tổ chức bộ phận Banquet trong khách sạn
♦ Các loại hình Banquet trong khách sạn
Meeting & Seminars
Loại hình Meeting & Seminars trong khách sạn thường phục vụ cho nhu cầu của đối tượng khách MICE (Meetings, Incentives, Conference & Events) cần tổ chức các buổi hội thảo, hội nghị, các cuộc họp… với đầy đủ các tiện nghi: thiết bị âm thanh, hình ảnh – máy chiếu, màn chiếu – bút, tài liệu – hoa tươi – nước suối… Cách bố trí bàn thường sử dụng với loại hình này là kiểu nhà hát, lớp học; trong trường hợp hội nghị kết hợp tiệc thì bố trí bàn theo kiểu hình tròn.
Tiệc cưới
Với loại hình tiệc cưới, không gian tiệc được bố trí theo dạng bàn tròn, có khu vực sân khấu riêng, có lối đi được trải thảm đỏ dành cho cô dâu – chú rể. Với mỗi gói tiệc cưới, khách sạn sẽ đảm nhận việc chuẩn bị và tổ chức cả phần lễ và phần tiệc. Set menu là loại thực đơn thường được chọn để phục vụ trong các buổi tiệc cưới với số lượng món ăn cố định theo mức giá thỏa thuận cụ thể. Nhiều khách sạn còn áp dụng hình thức tặng phòng tân hôn tại khách sạn cho các cặp đôi để tạo lợi thế thu hút hơn so với các nhà hàng tiệc cưới.
Tiệc trà/ tiệc ngọt (Tea break/ Coffee break)
Tiệc trà/ tiệc ngọt thường phục vụ vào đầu hoặc giữa giờ nghỉ giải lao các buổi hội nghị, hội thảo… với menu gồm các loại bánh ngọt, trái cây, trà, café… bày trí theo kiểu canape để khách tham dự vừa thuận tiện ăn uống vừa trò chuyện với nhau.
Tiệc cocktail (Cocktail party)
Tiệc cocktail là loại hình tiệc đứng với menu là các loại cocktail, nước trái cây và thức ăn nhẹ. Tiệc cocktail có thể được phục vụ như một buổi tiệc chính trong các buổi giao lưu thân mật hoặc tổ chức trước buổi tiệc chính.
Tiệc dạ hội (Gala dinner)
Tiệc dạ hội thường có không khí vui nhộn với yêu cầu về chất lượng phục vụ ăn uống cao. Trước tiệc dạ hội thường sẽ có tiệc chiêu đãi và vào cuối buổi tiệc, khách tham dự sẽ được phục vụ trà và café.
Tiệc Buffet
Tiệc Buffet phục vụ nhu cầu ăn uống đa dạng của khách hàng với hàng chục đến hàng trăm món khác nhau. Khách tham dự sẽ tự lấy thức ăn, thức uống theo sở thích và khẩu phần ăn của mình, còn nhân viên phục vụ sẽ đảm nhận nhiệm vụ bưng bê món ăn lên bàn trưng bày món, hướng dẫn khách và dọn dẹp các dụng cụ bát đĩa mà khách đã dùng xong…
Tiệc cho hai người (Dinner for two)
Loại hình tiệc này thường được tổ chức để gây tính chất bất ngờ cho một trong hai vị khách vào các dịp như cầu hôn, kỷ niệm ngày cưới… Không gian tiệc thường được bày trí lãng mạn bên trong nhà hàng hoặc ngoài vườn, bãi biển, sân thượng… theo yêu cầu của khách. Các món ăn thơm ngon thường được trình bày bắt mắt và có thể có cả người biểu diễn âm nhạc kèm theo.
* Ngoài ra, một số khách sạn còn có các loại hình Banquet khác như: tiệc sinh nhật, tiệc chiêu đãi trước bữa tối, tiệc thương mại…
3. Phương pháp phân công nhân sự phục vụ Banquet
– Phương pháp tổ: tất cả nhân viên phục vụ Banquet chịu trách nhiệm setup và phục vụ tiệc cho toàn bộ nhà hàng. Mỗi nhân viên được phân công 1 công việc cụ thể: dĩa ăn thịt + dĩa ăn tráng miệng, khăn ăn + gạt tàn, muối và hạt tiêu…
– Phương pháp cá nhân: mỗi nhân viên phục vụ được phân công phụ trách setup và phục vụ tiệc và thu dọn cho một nhóm bàn hoặc khu vực quy định.
Nguồn: Sưu tầm