Để đại học không là nơi “học đại”

Đại học là cột mốc quan trọng sau 12 năm ngồi trên ghế nhà trường. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn rằng, đại học không phải là bến đỗ cuối cùng. Dù học đại học hay không, bạn cũng phải đi tiếp. Đó mới thực sự là một hành trình dài!

ssdh-sinh-vien

Có người nói rằng, dù học gì đi chăng nữa thì điều quan trọng nhất bạn cần có chính là nghề nghiệp. Tình trạng thừa thầy, thiếu thợ, cử nhân thất nghiệp cho thấy rất nhiều bạn trẻ chỉ mới chọn trường mà không chọn nghề. Rõ ràng, đại học là nền tảng tốt, nhưng đừng lựa chọn sai và vội, để rồi biến đại học thành nơi “học đại”.

1. Đừng để thành cử nhân rồi mới thấy chọn sai nghề

Con số hơn 200.000 cử nhân thất nghiệp khiến nhiều người giật mình. Có muôn vàn lý do để con số này lớn đến như vậy. Nhưng không thể phủ nhận, một trong những lý do đó là các bạn trẻ đã chọn sai nghề.

Mất từ 4 – 5 năm để có một tấm bằng cử nhân, đó là khoảng thời gian không nhỏ. Đó cũng chính là thanh xuân, sức trẻ, là thời điểm trưởng thành. Thế nhưng thực tế thất nghiệp, ra trường chông chênh cho thấy việc học đại học chưa hẳn là một giấc mơ đẹp. Hoàn thành quãng đường rồi nhiều bạn mới cảm thấy hoang mang, không biết đi đâu về đâu.

Đại học không phải là nơi bạn có thể chọn đại cho mình một trạm dừng chân trong 4 năm tuổi trẻ, cũng không phải là nơi theo ý muốn của phụ huynh, sự rủ rê của bạn bè. Trước khi vào đại học, bạn cần nghĩ rằng đây là môi trường để trui rèn, tôi luyện. Chính việc không xác định được nghề nghiệp khiến bạn vào đại học nhưng vẫn học đại, học không biết ngày mai thế nào. Điều đó khiến bạn không đủ tự tin khi ra trường, kiến thức không được vận dụng hợp lý.

2. Để không “lạc trôi” trong vòng tròn hướng nghiệp

Chọn nghề – Chọn ngành – Chọn trường, đó là 3 bước quan trọng để hướng nghiệp. Chọn nghề đầu tiên bởi nghề sẽ gắn chặt với sự nghiệp sau này. Chọn nghề, đừng chạy theo “mốt” bởi xu hướng nào rồi cũng lỗi thời. Cũng đừng nên chọn nghề để chiều lòng bất cứ ai, vì nghề nghiệp gắn liền với mỗi người. Bạn nên dựa vào cảm xúc cá nhân và cả lí trí bằng việc thấu hiểu giá trị, mục tiêu của mình.

Khi đã chọn nghề rồi thì việc chọn trường trở nên dễ dàng hơn. Đừng “mặc một chiếc áo quá rộng”, vào đại học để rồi học đại. Thay vào đó, bạn có thể chọn những môi trường khác, miễn là cảm thấy “vừa vặn” với mình. Rất nhiều bạn trẻ chọn học cao đẳng, trung cấp, học nghề… nhưng lại có cơ hội thành công vượt trội. Khi đã chọn rồi, hãy nghiêm túc với hoài bão, tiếp thu tận lực, rồi bạn sẽ thành công!

ssdh-sinh-vien2

3. Giới trẻ nên chọn ngành nghề phù hợp như thế nào?

Bước 1: Nắm bắt nhu cầu nhân lực của xã hội

Tức là xác định được trong tương lai ngành nào cần nhiều nhân lực, yêu cầu bằng cấp, kỹ năng như thế nào để dễ xin việc làm. Nếu như trước đây các ngành học như sư phạm, ngân hàng, kế toán… là ngành học có nhu cầu cao về nhân lực thì hiện nay lại là những ngành thừa nhân sự. Xu hướng nghề về nhà hàng khách sạn và ẩm thực như: bếp trưởng, đầu bếp bánh, bartender, quản lý nhà hàng… lại thiếu trầm trọng hơn bao giờ hết.

Bước 2: Đánh giá năng lực, xác định bản thân phù hợp với nghề nào

Năng lực nghĩa là khả năng bạn có thể theo học và làm được nghề đó hay không. Để chọn đúng ngành học, cần lưu ý về ngành bạn chọn cần các kỹ năng và khả năng nào, liệu bản thân có đáp ứng được các yếu tố đó hay không.

Bước 3: Chọn nghề đúng hoài bão, đam mê

Chọn nghề đúng sở thích, đam mê là một yếu tố rất quan trọng. Việc hiểu được sở thích nghề nghiệp là cách giúp bạn chọn ngành học phù hợp để phát triển nghề nghiệp trong tương lai. Tuy nhiên, niềm đam mê của bạn cũng phải gắn liền với thực tế xã hội cần, đó là cách để dung hoà và biến ước mơ của bạn thành điều gần gũi và bình dị trong cuộc sống.

Bước 4: Chọn trường phù hợp

Để chọn trường phù hợp, bạn nên tìm hiểu về các trường đào tạo thế mạnh về ngành đó, chọn trường có môi trường học tập tốt và chuyên nghiệp. Đặc biệt, với các ngành nghề yêu cầu cao về nghiệp vụ, kỹ năng nghề như đầu bếp, làm bánh, bartender, quản lý nhà hàng khách sạn… thì thời gian thực hành, giáo trình đạt chuẩn, cơ sở vật chất hiện đại cùng đội ngũ giảng viên giàu kinh nghiệm là những yếu tố bạn cần quan tâm khi chọn trường.

Nguồn: Sưu tầm