Notice: Undefined index: HTTP_ACCEPT_LANGUAGE in /home/gconnect/public_html/index.php on line 16
Du học xong về Việt Nam làm gì? - Du học Thụy Sỹ | Quản trị khách sạn | GConnect Hospitality Education

Du học xong về Việt Nam làm gì?

Các bạn đi du học chắc rất hay bị “làm phiền” bởi câu hỏi trên. Hỏi ít thì cũng có cảm giác được quan tâm đấy, nhưng mà bị hỏi nhiều thì cực kỳ khó chịu đúng không? Nó giống kiểu câu hỏi “Bao giờ lấy vợ/chồng” ấy. Vừa áp lực căng thẳng lại vừa khó trả lời. Có những việc mà người ngoài không thể nào hiểu nổi, nhỉ? Hãy cùng chia sẻ về vấn đề này nhé!

1. Mang đến góc nhìn mới

Đi du học về bạn sẽ có dịp trải nghiệm nền văn hóa của nhiều quốc gia từ các sinh viên quốc tế, mở rộng mối quan hệ và học cách làm việc trong các doanh nghiệp toàn cầu. Chị Trương Thanh Thủy, CEO Greengar, cựu du học sinh Mỹ đã học được cách nhìn hoàn toàn mới từ những người bạn quốc tế của mình khi đi du học. Chẳng hạn “khi bạn định làm một điều gì đó và một người chạy đến nói với bạn “Đã có người khác làm trước cậu rồi”, thường các bạn Việt Nam sẽ lo lắng, nhưng với những bạn được nuôi dưỡng và lớn lên trong môi trường Mỹ thì sẽ có mong muốn làm tốt hơn nữa”.

Chị Thủy cũng nghĩ những người đánh giá thấp mình là cần thiết vì người ta cho mình thấy được thực tế. Không phải ai cũng có cái nhìn này. Người khác chỉ có thể đánh giá thấp về mình khi người ta nói ra được khuyết điểm của mình. Đó là một cơ hội để bản thân cố gắng nhiều hơn nữa. Một người khởi nghiệp cần phải biết lắng nghe những gì người khác nói. Nhưng điều quan trọng nhất là phải tin vào chính mình.

Nếu giỏi bạn không thiếu việc khi về nước

2. Về nước hay không thì bạn vẫn phải cọ sát công việc thực tế

Việc học ở Việt Nam không khuyến khích đầu tư thời gian vào công việc bên ngoài trường học. Tuy nhiên du học có thể coi như một môi trường giả lập trước khi bước vào sự nghiệp. Bạn có thể sử dụng việc học tập trên trường như một phép thử. Chẳng hạn kinh doanh nhỏ, tham gia dự án, tìm lời giải cho một tình huống thực tế…

Anh Hồ Quang Khánh, CEO Vật giá đã làm việc cho quỹ đầu tư Mekong Capital chia sẻ rằng ngoài việc áp dụng được một phần kiến thức trên trường vào công việc, Khánh còn học được cách tổ chức công việc và kỹ năng quản lý đánh giá nhân viên: “Khi tuyển một nhân viên thì người đó phải nhìn thấy được mục tiêu chung của công ty để làm việc. Trong một công ty thì xu hướng “co cụm” cũng dễ xảy ra, sẽ có tình trạng so sánh phòng ban nọ hơn phòng ban kia. Là người lãnh đạo thì phải luôn hướng họ về một mục tiêu chung của công ty. Không nên đổ tại người Việt như thế này hay thế khác, mà ăn thua là ở cách tổ chức để giúp họ làm tốt nhất”. Chắc chắn những kỹ năng sống còn này đã giúp anh đưa Vật giá phát triển như bây giờ.

Đi du học về bạn sẽ có dịp trải nghiệm nền văn hóa của nhiều quốc gia từ các sinh viên quốc tế

3. Có nhiều cơ hội trong công việc

Trở về bởi vì mình biết mình có nhiều cơ hội hơn khi ở Việt Nam, mình chắc chắn về điều đó. Cho dù thích ở nước ngoài đấy, nhưng mình sẽ quay về vì sự nghiệp của bản thân. Định cư ở nước ngoài nói thật có nhiều cơ hội việc làm lắm, họ chuyên nghiệp, thu nhập cao, phúc lợi tốt, việc đi lại cực kỳ thuận tiện, quản lý xã hội thống nhất… nhưng đương nhiên song song với đó là những thực tế phải đối mặt như môi trường cạnh tranh cao, bạn buộc phải đi lên bằng thực lực, áp lực làm việc thực sự là thứ phải lo lắng chứ không chỉ đơn thuần là một thứ chuyện phiếm trên bàn trà. Rào cản ngôn ngữ và văn hóa cũng là một trở ngại. Ở nhà, việc mình nghĩ một vấn đề gì, là có thể diễn đạt ra điều đó một cách tự nhiên nhất, thậm chí diễn đạt sâu sắc, và chắc chắn người nghe cũng hiểu được điều mình đang nói vì chung bối cảnh văn hóa. Còn lang thang ở trời tây, mình có cố cắp chai rượu theo những buổi tiệc tùng, nói những cụm slang thì cũng luôn có cảm giác đó chưa thực sự là mình, giống như mình đang sống thêm một mình nữa. Phức tạp và khá mệt.

Mình trở về bởi mình biết kiếm tiền ở nước ngoài chưa chắc đã đỡ khổ hơn ở Việt Nam. Mình biết có nhiều bạn học hành không đến mức xuất sắc, nhưng vẫn cố tìm mọi cách để ở lại nước ngoài làm việc mà không biết trước tương lai thế nào. Để rồi tiêu tốn nhiều năm tuổi trẻ vào những rong ruổi bấp bênh, đồng tiền kiếm được cũng cực nhọc và thấm đẫm mồ hôi nước mắt, chưa kể là tủi nhục. Mình không dám đánh giá các bạn đúng hay sai, nhưng mình nghĩ làm gì cũng phải có tính toán trước.

jobs

Mình trở về bởi mình biết thị trường mình còn nhiều thứ chưa chuyên nghiệp, đó chính là cơ hội cho lớp trẻ như mình cố gắng, cố gắng để làm cho lĩnh vực của mình tốt hơn, bền vững hơn. Ra ngoài du học, mình tin rằng chỉ đi ½ chặng đường là các bạn đã hoàn toàn sáng tỏ được là ngành bạn đang học giúp ích gì cho bạn và những người xung quanh trong tương lai? Tiếp tục theo nó thì bạn có đất để diễn ở đây hay không? Khi người ta đã quá chuyên nghiệp rồi? Nếu về Việt Nam có tốt hơn không?

Khi đã có quyết định của riêng mình, mình thấy việc học tập và sinh sống ở nước ngoài của mình thời hiện tại trở nên dễ thở hơn nhiều, vì mình biết mình sẽ phải làm những gì. Quay về nhưng cũng đâu có nghĩa là ở yên một chỗ. Biết đâu mình quay về, rồi đến một thời điểm nào đó mình lại còn cơ hội khác để tiếp tục đi làm, hoặc thậm chí là… đi học tiếp.

Đi hay ở là quyết định của riêng mỗi người bởi vậy không có câu trả lời đúng hay sai cho câu hỏi này. Mình cũng mất một khoảng thời gian kha khá để đưa ra quyết định của bản thân mình. Như các bạn thấy đó, hãy suy nghĩ thật kỹ, thậm chí là phải trải nghiệm nữa, đặc biệt là về sự nghiệp và tương lai của chính các bạn. Chỉ có bạn mới biết điều gì là tốt nhất cho bạn, không ai có thể phán xét đúng sai nếu họ không ở trong hoàn cảnh của bạn.

Nguồn: Sưu tầm