Bạn đã từng nghe đến hay biết đến nghề Quản trị doanh thu khách sạn (Revenue Manager) trong khách sạn 4-5 sao?
Bạn có biết rằng đây là một nghề hiện đang rất “hot” ở Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung?
Bạn có biết hiện nay có rất nhiều khách sạn 4-5 sao tại Việt Nam đang tìm kiếm vị trí này nhưng nhân lực đang làm nghề Quản trị doanh thu (Revenue Management) hiện nay ở Việt Nam đang khan hiếm?
Bạn có biết Revenue Manager là một trong những vị trí quan trọng trong khách sạn? Bạn có biết đây là cơ hội nghề nghiệp có thu nhập cao và ổn định?
Hiện nay do nguồn nhân lực người Việt không đủ đáp ứng nhu cầu của thị trường nên có nhiều khách sạn quốc tế phải đưa người nước ngoài về đảm nhận công việc này tại Việt Nam. Trong khi đây là một nghề mà người Việt chúng ta hoàn toàn làm tốt.
Vậy Revenue Manager là ai và họ làm gì trong khách sạn?
Để trả lời được câu hỏi này, trước nhất chúng ta nên tìm hiểu kỹ xem quản trị doanh thu là gì và vai trò của nó đối với doanh nghiệp, cụ thể hơn là đối với các đơn vị trong ngành công nghiệp khách sạn.
Về mặt lý thuyết, quản trị doanh thu khách sạn là phương thức ứng dụng những kỹ thuật phân tích một cách khoa học nhằm dự đoán hành vi của người tiêu dùng ở cấp độ vi mô; tối ưu hóa sản phẩm và giá bán nhằm tối đa hóa doanh thu và lợi nhuận cho khách sạn. Mục tiêu hàng đầu của Quản trị doanh thu khách sạn là bán những sản phẩm của khách sạn đến đúng khách hàng mục tiêu, đúng giá, đúng thời điểm và đúng kênh phân phối nhằm tối ưu hóa doanh thu và đạt được các mục tiêu kinh doanh đề ra của khách sạn.
Trên thực tế, quản trị doanh thu khách sạn là ngành khá mới mẻ tai Việt Nam. Hiện nay chỉ có các khách sạn 4-5 sao quốc tế đang ứng dụng Quản trị doanh thu trong các khách sạn của họ. Tuy nhiên, chúng ta không thể phủ nhận rằng quản trị doanh thu khách sạn thực sự có giá trị vô cùng quan trọng đối với các khách sạn.
Quản trị doanh thu sẽ giúp cho chủ khách sạn và những nhà quản lý khách sạn điều hành hoạt động kinh doanh một cách hiệu quả. Quản trị doanh thu khách sạn sẽ hỗ trợ tốt nhất cho Tổng quản lý (General Manager), Giám đốc kinh doanh và tiếp thị (Director of Sales & Marketing), Giám đốc tài chính (CFO) của khách sạn trong việc định hướng hoạt động kinh doanh khách sạn; xây dựng kế hoạch kinh doanh và đặt ra những mục tiêu kinh doanh phù hợp; dự đoán được tình hình kinh doanh trong tương lai để có những phản ứng kịp thời trong kinh doanh; hướng tới việc xây dựng một nền tảng kinh doanh vững chắc và có định hướng mục tiêu rõ ràng và hiệu quả.
Ai là người làm công việc Quản trị doanh thu trong khách sạn?
Người làm Quản trị doanh thu trong khách sạn được gọi là Revenue Manager (tạm dịch Quản lý doanh thu) hoặc Director of Revenue Management (tạm dịch là Giám đốc doanh thu).
Tại sao cần có người chuyên làm việc Quản trị doanh thu trong khách sạn?
Sẽ có rất nhiều người lầm tưởng rằng Quản lý doanh thu và Giám đốc kinh doanh & tiếp thị có những trách nhiệm tương tự nhau, tuy nhiên, về mặt bản chất, đây lại là hai công việc có tính chất hoàn toàn khác biệt. Cụ thể hơn, ở những khách sạn 4-5 sao quốc tế hiện nay, việc phân chia vai trò và trách nhiệm giữa người làm Quản trị doanh thu và Giám đốc kinh doanh & tiếp thị như sau:
Người làm Quản trị doanh thu trong khách sạn sẽ chịu trách nhiệm việc phân tích, hoạch định chiến lược bán và giá bán cho từng phân khúc khách hàng, từng kênh bán hàng, kiểm soát quỹ phòng, đưa ra dự đoán (forecasting) kinh doanh nhằm tối ưu hóa doanh thu và hướng tới việc đạt mục tiêu kinh doanh đề ra của khách sạn. Người này sẽ nắm và hiểu sâu về hoạt động kinh doanh của khách sạn. Ví dụ như mục tiêu kinh doanh của các khách sạn là gì? Hoạt động bán hàng và tiếp thị của khách sạn ra sao? Khách hàng mục tiêu của khách sạn là ai? Sản phẩm đang bán cho khách hàng là gì? Đối thủ cạnh tranh của khách sạn là ai? Điểm mạnh yếu của khách sạn so với đối thủ cạnh tranh và với thị trường? Xây dựng giá bán sao cho phù hợp? Bán giá nào cho những khách hàng nào ở những kênh nào?…
Còn Giám đốc kinh doanh & tiếp thị thì sẽ dành phần lớn thời gian của mình để tổ chức và triển khai hoạt động bán hàng và tiếp thị, gặp gỡ khách hàng và mở rộng mạng lưới kinh doanh. Người này sẽ đi ra ngoài gặp khách hàng nhiều hơn. Còn người làm Quản trị doanh thu thì ngồi nhà nhiều hơn. Tuy nhiên, hai người này sẽ làm việc và phối hợp sát với nhau để hướng tới việc đạt các mục tiêu kinh doanh đề ra của khách sạn.
Ngành Quản trị doanh thu trong khách sạn có tiềm năng phát triển như thế nào tại Việt Nam?
Quản trị doanh thu (Revenue Management) có thể được ứng dụng rộng rãi ở tất cả các khách sạn chứ không riêng gì khách sạn 4-5 sao. Tuy nhiên, vì đây là một lĩnh vực còn khá mới mẻ tại Việt Nam nên chưa nhiều người biết đến. Các bạn có biết rằng chỉ cần các chủ khách sạn, những nhà quản lý và điều hành khách sạn ứng dụng những kiến thức, thủ thuật rất đơn giản của Quản trị doanh thu vào hoạt động kinh doanh hàng ngày của khách sạn thì cũng đã mang lại những hiệu quả nhất định về kinh doanh?
Chính vì vậy, có thể nói nghề Revenue Manager là nghề của hiện tại và tương lai vì hiện nay nguồn nhân lực làm Revenue Manager đang thiếu rất nhiều và theo xu hướng phát triển sắp tới đây sẽ ngày càng có nhiều dự án khách sạn mới tại Việt Nam. Cơ hội nghề nghiệp là rất lớn với mức thu nhập cao và ổn định. Một cơ hội nghề nghiệp tuyệt vời cho các bạn trẻ Việt Nam!
Nguồn: ST