Sợ hãi và nghi ngờ sẽ tấn công sự tự tin của bạn. Chúng sẽ kiểm soát các quyết định của bạn. Bạn cho chúng sức mạnh để kiềm chế bạn.
Chúng trở thành những yếu tố ngăn cản bạn được hạnh phúc và thành công. Bởi vì, những người hạnh phúc, thành công và khỏe mạnh, chẳng ai nói rằng họ có được những điều đó vì họ luôn sợ hãi cả.
Vừa mới mấy hôm trước, tôi nhìn thấy một cô bé trong trung tâm thương mại đang vừa đấm đá vừa la lối. Bố mẹ cô bé thì cố hết sức để con mình bình tĩnh lại.
Tôi cũng nhìn mọi người đi ngang qua họ. Một số người lắc đầu và cho rằng cô bé này được chiều chuộng quá đâm hư, theo cái kiểu “đưa ngay cho con thứ mà con muốn”. Còn những người khác dừng lại và nói vài lời tử tế với cả cô bé lẫn bố mẹ cô.
“Cháu là một cô bé rất xinh đẹp. Một cô bé xinh đẹp thì không nên khóc” – Một phụ nữ nói.
“Đừng buồn thế chứ cháu. Ai trong chúng ta cũng có những việc không vừa ý” – Một người khác nói thêm.
“Mình nghĩ con bé kia đúng là đứa hư hỗn” – Tôi nghe thấy một người thì thầm với bạn.
Nhưng hóa ra, không ai trong số họ nói đúng cả. Cô bé đó không bị chiều quá hóa hư, cũng chẳng phải có việc không vừa ý.Mà cô bé đang sợ.
Vì sau đó, bố mẹ cô bé kể với tôi rằng có một người ôm theo cái áo khoác lông xù to tướng khiến cô bé sợ hãi. Thực tế, cô bé rất sợ chó. Sợ khủng khiếp. Còn cái áo lông xù kia thì trông giống như một con chó to bự.
Bố mẹ cô bé tiếp tục giải thích rằng thật khó khăn cho họ khi đi tới chỗ này chỗ kia. Bởi vì bạn bè cũng nuôi chó, các nhà hàng xóm cũng nuôi chó và người ta còn dắt chó đi dạo ngoài phố.
Vậy là bạn có thể tưởng tượng ra những nỗ lực của bố mẹ cô bé khi cho con mình ra ngoài chơi nhưng không khiến cho nó hoảng sợ.
Tôi nhớ hồi mình còn nhỏ, mỗi khi đi lên cầu thang buổi tối, tôi luôn có cảm giác rằng ai đó, hoặc “thứ” gì đó, sẽ thò ra tóm lấy chân tôi. Cho nên, hầu như lần nào tôi cũng co cẳng chạy thật nhanh.
Và tôi sẽ thừa nhận rằng, khi đã lớn rồi, thỉnh thoảng, tôi vẫn cứ làm thế.Những nỗi sợ hãi. Những gì bạn sợ nhất sẽ thống trị bạn, kiểm soát bạn, ràng buộc và giới hạn bạn.
Tôi đã từng vật lộn với nỗi sợ độ cao, nhưng tôi cố gắng chiến đấu với nó. Bố mẹ tôi quyết định cho tôi thử đi tàu lượn vào sinh nhật lần thứ 16 của tôi. Và tôi ổn. Rất ổn là đằng khác. Thật tuyệt vời! Thậm chí, tôi còn nghĩ rằng nếu tôi có một điều ước, tôi sẽ ước mình có thể bay như chim.
Sự thật là nỗi sợ có thể làm cho bạn yếu đuối. Nỗi sợ khiến cho người ta tê liệt, giới hạn khả năng tận hưởng dù là những điều đơn giản nhất trong cuộc sống. Và trong nhiều trường hợp, nỗi sợ thậm chí ngăn người ta đi khám bệnh hoặc thực hiện những quá trình điều trị để tránh những vấn đề sức khỏe trầm trọng hơn.Nỗi sợ cũng vùi dập những ước mơ.
Đôi khi, nỗi sợ của chính chúng ta lại ảnh hưởng đến những người xung quanh, tác động đến quan điểm của họ, làm hỏng khả năng sống trọn vẹn của họ. Mặc dù, nhiều khi, nỗi sợ đó nhân danh tình yêu thương, sự quan tâm…
Tôi từng đọc ở đâu đó viết rằng chữ F.E.A.R (nỗi sợ) chính là “False Evidence Appearing Real” (những dấu hiệu giả [nhưng] có vẻ như thật).
Tôi không chắc rằng điều đó có áp dụng cho mọi nỗi sợ hay không. Bởi vì một người có thể đã có một trải nghiệm tồi tệ với một chú chó, và giờ đây nỗi sợ chó là thật, rất liên quan đến cuộc sống của họ.
Nhưng, tôi nghĩ một nỗi sợ mà chúng ta có thể xử lý được dễ dàng, đó là nỗi sợ có thể gây cho bạn những nghi ngờ. Đặc biệt là nghi ngờ về khả năng, về hình ảnh của bản thân. Nỗi sợ này có thể được “gieo rắc” vào đầu óc bạn bởi những người khác, hoặc bởi xã hội, thế giới nói chung.
Sợ hãi và nghi ngờ sẽ tấn công sự tự tin của bạn. Chúng sẽ kiểm soát các quyết định của bạn. Bạn cho chúng sức mạnh để kiềm chế bạn. Chúng trở thành những yếu tố ngăn cản bạn được hạnh phúc và thành công.
Bởi vì, những người hạnh phúc, thành công và khỏe mạnh, chẳng ai nói rằng họ có được những điều đó vì họ luôn sợ hãi cả.