Notice: Undefined index: HTTP_ACCEPT_LANGUAGE in /home/gconnect/public_html/index.php on line 16
Đại sứ của nhà hàng - Du học Thụy Sỹ | Quản trị khách sạn | GConnect Hospitality Education

Đại sứ của nhà hàng

Thực đơn (menu) được xem như đại sứ của nhà hàng, nó giới thiệu mọi thứ, từ món ăn đến đồ uống cho thức khách. Thực đơn có thể thể hiện bằng nhiều hình thức nhưng vẫn có chuẩn mực của nó mà các chủ nhà hàng nên biết.

Không dùng quá nhiều hình đồ họa. Sử dụng hình đồ họa để trang trí sẽ làm nổi bật một phần hoặc cả menu, nhưng nếu quá lạm dụng kiểu trang trí này sẽ gây rối mắt thực khách và phá vỡ tính nghiêm túc của nhà hàng, nhất là nhà hàng cao cấp. Đó là chưa nói nó làm thực khách mất tập trung trong việc tìm kiếm món ăn phù hợp với sở thích. Hãy ghi nhớ rằng, sử dụng hình ảnh đồ họa có chừng mực và biết nhấn nhá đúng chỗ để tôn lên vẻ đẹp của nó.

Không sử dụng nhiều biệt ngữ. Nhiều chủ nhà hàng muốn khoe kiến thức nên thường thiết kế thực đơn với quá nhiều từ ngữ chuyên môn khó hiểu. Điều này cho thấy họ hoàn toàn không hiểu gì về khách hàng. Nếu đứng ở góc độ khách hàng mà xem xét thì chủ nhà hàng hẳn phải cân nhắc rất kỹ chuyện này. Bởi vì khách hàng bước vào nhà hàng để thư giãn và hưởng thụ, có thể biệt ngữ gây tò mò cho khách nhưng cần nhớ rằng nhà hàng không phải là nơi đánh đố trí thông minh, nên thực đơn càng đơn giản, dễ hiểu càng tốt. Ở những nhà hàng cao cấp có những món ăn của nền ẩm thực các nước, do đó xuất hiện khá nhiều cái tên lạ trong thực đơn. Vì vậy, muốn thu hút thực khách, hãy đào tạo nhân viên nắm vững kiến thức những món ăn đó để mô tả lại cho khách hiểu.

Tránh cụ thể. Trong thực đơn đừng bao giờ ghi chính xác định lượng món ăn. Chẳng hạn, không nên ghi một đĩa tôm nướng gồm có 6 con, bởi vì khi giá tôm nguyên liệu tăng, muốn điều chỉnh còn 5 con để giữ lợi nhuận là không thể được vì khách hàng sẽ cho rằng lừa dối họ. Các món ăn trong thực đơn chỉ nên mang tính mô tả, còn nếu khách muốn hỏi chính xác định lượng để kêu món thì khi đó hãy cung cấp thông tin cho họ.

Làm rõ những quy định riêng. Trong thực đơn thường có dòng chữ nhỏ ở cuối trang để chỉ những quy định của nhà hàng. Chẳng hạn, “Món ăn khuyến mãi không được mua mang về” hoặc “Chiết khấu chỉ dành cho bàn tiệc 6 người trở lên”… Vì thế, nếu thực khách muốn làm rõ những quy định ấy, cần giải thích kịp thời cho chính xác cho họ bước. Đừng chơi trò đánh đố khách để rồi khách buộc tội lừa đảo cho nhà hàng.

Thiết kế thực đơn một cách trang trọng vì nó thể hiện sự tôn trọng khách hàng. Cũng nên lưu tâm đến chất liệu in thực đơn. Với môi trường nhà hàng, thực đơn phải thật bền, không thấm nước, dễ lau chùi. Nếu một số món ăn có giá theo mùa, như hải sản chẳng hạn, cần thiết kế thực đơn riêng để dễ dàng thay đổi giá.

Sau khi thiết kế thực đơn, hãy đưa mẫu cho một số người xem xét (các chuyên gia, khách hàng) để họ góp ý. Hãy hỏi những người đó, thực đơn có dễ đọc hay không, cách mô tả món ăn có dễ hiểu, bố cục thực đơn có hợp lý không?… Tránh đưa cho người thân, bạn bè góp ý cả nội dung lẫn hình thức thực đơn, vì họ thường vị nể nên không có ý kiến thẳng thắn và xác đáng.