Đó là một hành trình dài từ vị trí nhân viên rửa bát (steward) đến quản lý điều hành cấp cao trong khách sạn hàng đầu Việt Nam của ông Philip Beriman – Tổng Giám đốc khách sạn InterContinental Nha Trang. Kể về con đường thăng tiến trong Nghề Khách sạn, ông nhận định “Tôi chọn bắt đầu công việc của mình từ những vị trí thấp nhất, chính vì vậy tôi có thể hiểu được mọi chức năng trong hoạt động của khách sạn, nếu bạn không tự tin về vốn hiểu biết của mình trong từng vị trí đó, bạn không thể làm quản lý”.
Chân dung ông Philip Beriman – Tổng Giám đốc khách sạn InterContinental Nha Trang
Như một câu chuyện truyền cảm hứng đến nhân sự Nghề, General Manager khách sạn InterContinental Nha Trang chia sẻ bí quyết để trở thành quản lý khách sạn cấp cao với con đường thăng tiến trong sự nghiệp bắt đầu từ vị trí thấp nhất…
1. “Hãy bắt đầu công việc của mình từ những vị trí thấp nhất…”
Nói về lý do vì sao lại lựa chọn làm việc trong nghề khách sạn, ông Philip Beriman cho rằng đó được coi là truyền thống của gia đình ông khi họ có kinh doanh dịch vụ khách sạn từ lâu. Do đó, ông quyết định đến Nhật học ngành du lịch khách sạn và thực tập chuyên môn tại một nhà khách nhỏ cũng thuộc sở hữu gia đình.
Ông cho biết mình bắt đầu vào nghề từ công việc rửa bát đĩa trong vòng 6 tháng đầu, 6 tháng tiếp làm điều phối tại sảnh rồi đứng quầy tiếp đón 6 tháng tiếp theo đó.
Tiếp đến, ông quay trở lại Australia và đảm nhiệm vị trí lễ tân, chịu trách nhiệm phục vụ khách Nhật; trải qua nhiều vị trí quản lý khác nhau, lên đến vị trí cao nhất là quản lý hoạt động và vị trí quản lý chung.
Trả lời cho câu hỏi tại sao lại chọn Nhật Bản để theo học ngành du lịch khách sạn, ông nhận định “Văn hóa Nhật luôn mang đến chất lượng dịch vụ tốt nhất trên thế giới. Niềm tự hào của người Nhật được xây dựng trên dịch vụ, họ quan tâm đến từng tiểu tiết nhỏ nhất để đảm bảo cho sự nghỉ ngơi của khách được tiện lợi nhất”.
“Hãy bắt đầu từ việc nhỏ nhất như rửa bát với một niềm đam mê lớn lao”
2. “Để trở thành quản lý trong ngành khách sạn, điều quan trọng nhất chính là thái độ…”
Khi được hỏi về kỹ năng nào là quan trọng nhất đối với người có tham vọng trở thành quản lý trong ngành khách sạn, ông quả quyết “theo tôi, đó chính là thái độ. Bởi ai cũng muốn thăng tiến lên vị trí cao nhất nhưng nếu không có thái độ tốt mỗi ngày thì sẽ không thể nào thành công được.”
Ngoài ra, ông cũng khuyên người quản lý hãy làm dịch vụ bằng tất cả trái tim, bằng 100% niềm đam mê và sự kiên nhẫn, tạo dịch vụ hoàn hảo để luôn nổi bật và khiến khách hàng nhớ đến, từ đó sẵn sàng quay lại khi có dịp.
3. “Áp lực lớn nhất của người quản lý là mang đến cho khách trải nghiệm tốt hơn mỗi ngày…”
Ông Philip Beriman cho rằng một nhà quản lý khách sạn sẽ có rất nhiều áp lực, trong đó áp lực mỗi ngày lại khác nhau. Tuy nhiên, áp lực lớn nhất với họ là việc mỗi ngày qua đi, phải làm sao để mang đến cho khách hàng những trải nghiệm tốt nhất và tốt hơn ngày hôm qua (tức lần lưu trú trước đó), dù chỉ 1%.
Để làm được điều này, bạn phải đoán biết được nhu cầu của khách. Hãy xem xét các thông số liên quan đến khách hàng mỗi ngày. Chẳng hạn, họ đã đến đây bao nhiêu lần, họ đi cùng ai, họ thích ở tầng thứ mấy, họ thích kiểu phòng gì,… nói chung là phải biết mọi thứ, mọi nhu cầu mỗi lần họ đến.
Áp lực lớn nhất của người quản lý là phải làm sao để mang đến cho khách những trải nghiệm tốt nhất và tốt hơn mỗi ngày
Ngoài ra, việc kết hợp quảng bá cho văn hóa địa phương, nơi tọa lạc của khách sạn, cũng đặc biệt quan trọng. Điều này giúp tạo nên những trải nghiệm thực sự riêng biệt cho mỗi cá nhân, điều mà du khách không thể tận hưởng dịch vụ tương tự tại bất cứ nơi nào trên toàn thế giới. Đây cũng chính là lý do thuyết phục cho việc tại sao khách hàng lại phải đặt phòng khách sạn của bạn chứ không phải khách sạn nào khác.
Cũng giống như hầu hết các nhà quản lý cấp cao chuyên tâm khác, ông Philip Beriman cũng đồng ý rằng “nguyên tắc vàng của ngành dịch vụ là trao công bằng cho tất cả mọi người”.
Nguồn: Sưu tầm