Các khách sạn thường có khuynh hướng tập trung tìm kiếm nhóm khách hàng mới hoặc theo đuổi khách hàng lớn mà phớt lờ bộ phận khách hàng nhỏ lẻ. Tuy nhiên, nhóm khách nhỏ lẻ tưởng chừng không mấy hấp dẫn này lại đang mang đến nguồn lợi doanh số đầy tiềm năng cho khách sạn, đặc biệt là mảng F&B (Ẩm thực).
Khách hàng nhỏ mảng F&B – nguồn doanh thu khổng lồ cho khách sạn
F&B (Food and Beverage service) là dịch vụ thực phẩm và đồ uống trong khách sạn, đem lại doanh thu cao thứ hai cho khách sạn sau bộ phận Buồng phòng và góp phần hình thành, duy trì thương hiệu cho khách sạn.
Theo thống kê, doanh thu từ bộ phận F&B đang dần chiếm tỉ lệ ngày càng cao trong tổng doanh thu hoạt động kinh doanh khách sạn. Ví dụ, trong quý 3/2014, doanh thu từ F&B của tập đoàn khách sạn Marriott đã tăng 14,5%. Chuỗi khách sạn hoàng gia Oberoi của Ấn Độ cho biết doanh thu từ F&B năm 2016 chiếm đến gần 40% tổng doanh thu khách sạn. Ngoài ra, tuy không dẫn số liệu cụ thể nhưng các tập đoàn khách sạn như Hilton, Hyatt… cũng đầy phấn chấn với doanh số khá tốt do bộ phận ẩm thực mang lại.
Bộ phận F&B tại khách sạn
”Các nhóm khách nhỏ chiếm 85% doanh thu F&B và luôn lấp đầy chỗ trống tại các nhà hàng của khách sạn. Mặc dù nhóm khách nhỏ ăn uống tại khách sạn không phải quá hiếm nhưng số lượng này đang tăng dần theo cấp số nhân” – bà Joyce Inderbitzin, Phó chủ tịch tập đoàn khách sạn Hilton nhận định.
Bên cạnh đó, bạn cần nhận thấy rằng, trong kinh doanh khách sạn, dù mới khởi đầu hay đã có chỗ đứng trên thương trường, không phải bỗng nhiên mà bạn sở hữu những mối khách hàng lớn. Để có khách hàng lớn, bạn phải bắt đầu từ khách hàng nhỏ và cần tích cực chăm sóc nhóm khách nhỏ lẻ đầy tiềm năng này để họ trở thành khách hàng lớn trong tương lai hoặc là đầu mối của nhóm khách hàng lớn hơn.
Phương hướng phát triển nhóm khách hàng nhỏ
Theo các chuyên gia ngành Khách sạn, để tối đa hóa lợi nhuận và khuếch trương danh tiếng khách sạn, cần phải thỏa mãn các yếu tố như chất lượng dịch vụ vượt trội và thực đơn sáng tạo, độc đáo dành cho đối tượng khách hàng nhỏ.
Ở góc nhìn của ông Jeff Dover, Phó chủ tịch công ty tư vấn chiến lược ngành công nghiệp ẩm thực fsSTRATEGY cho thấy, để đáp ứng khẩu vị của nhóm thực khách nhỏ lẻ, điều cần làm là giới thiệu các món ăn cao cấp, có lợi cho sức khỏe, bao gồm cả những món ăn có cách chế biến phá cách hoặc hương vị mới lạ như cay xè, nhiều khói…
Cũng theo ông, nhiều năm gần đây, các nhóm khách hàng nhỏ có khuynh hướng ưa chuộng nguyên liệu có nguồn gốc địa phương, thân thiện với môi trường và ưu ái hơn những món ăn từ ngũ cốc.Tuy nhiên, họ vẫn yêu thích các loại phô mai đặc biệt, mayonnaise, sốt pesto, ngò, rau mùi…
Bên cạnh đó, dịch vụ buffet với phong cách ẩm thực đa dạng, đáp ứng nhu cầu khẩu vị của nhiều đối tượng thực khách (từ ăn kiêng cho đến những món với yêu cầu đặc biệt) cũng rất thích hợp với nhóm khách hàng nhỏ và không làm hao tốn kinh phí do tích trữ quá nhiều hàng tồn.
Hình thức tiệc buffet phục vụ hiệu quả cho nhiều đối tượng khách hàng nhỏ lẻ
Song song với cải thiện và đổi mới thực đơn phù hợp thị hiếu ăn uống của khách hàng nhỏ, các chủ đầu tư, quản lý nhà hàng cần đảm bảo đội ngũ phục vụ với chất lượng cao tương xứng. Bên cạnh thái độ phục vụ ân cần, tận tụy và sẵn lòng đáp ứng tối đa nhu cầu của khách, các nhà điều hành khách sạn cần quản lý tốt các chuỗi sự kiện (nhiều nhóm khách hàng nhỏ có thể đến từ những buổi hội nghị tổ chức trong khách sạn) để săn đón khách hàng nhỏ mới và thỏa mãn nhu cầu khách hàng nhỏ cũ.
Nguồn: ST