Một nghiên cứu mới được các nhà nhân chủng học tại trường đại học UCL, London, Anh đã chỉ ra rằng “những người dùng smartphone đã biến thành những con ốc sên, và ngôi nhà họ trốn bên trong chính là món thiết bị bỏ trong túi quần.” Các nhà khoa học đã bỏ ra hơn 1 năm trời theo dõi việc sử dụng smartphone của con người tại 9 quốc gia trên thế giới, từ Ireland đến Cameroon, để đi đến kết luận rằng smartphone giờ không chỉ là một thiết bị hỗ trợ cuộc sống, công việc và giải trí hàng ngày một cách bình thường nữa, mà đã có rất nhiều người coi smartphone có tầm quan trọng hệt như mái nhà họ sinh sống.
Giáo sư Daniel Miller, dẫn đầu cuộc nghiên cứu cho biết: “Smartphone giờ không chỉ là món đồ chúng ta dùng, mà đã trở thành nơi chúng ta thực sự sống. Tác động tiêu cực của điều đó đánh vào mối quan hệ giữa con người với con người, ở mọi thời điểm, dù đó là một bữa ăn, một cuộc gặp gỡ, người ngồi đối diện luôn có thể biến mất, trốn vào trong thế giới smartphone của họ.”
Ông cho biết thêm: “Dạng hành vi này, đi kèm với đó là sự khó chịu và thất vọng hay thậm chí là phẫn nộ mà nó gây ra, chúng tôi gọi là ‘giết chết sự gần gũi’. Chúng ta đang học cách sống với nguy cơ, dù rằng hiện diện ngay sát cạnh nhau, nhưng vẫn có thể trở nên cô độc về mặt cảm xúc, xã hội hay nghề nghiệp.”
“Chỉ mặt đặt tên” thứ ứng dụng gây ra tình trạng này, các nhà nhân chủng học chỉ đích danh những ứng dụng chat trực tuyến cài đặt trên điện thoại, thứ mà họ cho là “trái tim của smartphone”: “Với rất nhiều người dùng ở hầu hết các khu vực, một ứng dụng duy nhất giờ đã đại diện cho thứ quan trọng nhất mà smartphone có thể phục vụ họ.” Đấy là LINE ở Nhật, WeChat ở Trung Quốc, hay WhatsApp ở Brazil. “Những ứng dụng này là những nền tảng nơi anh chị em ruột có thể kết nối với nhau để chăm sóc người thân lớn tuổi, những ông bố bà mẹ gửi hình ảnh bé con của họ một cách đầy tự hào, hay giúp những người nhập cư kết nối với gia đình của họ.”
Không giống như những nghiên cứu trước đó về việc dùng smartphone, nghiên cứu này của các nhà nhân chủng học tại UCL tập trung vào những người đứng tuổi.
“Ban đầu việc tập trung nhấn mạnh vào việc dùng smartphone của những người đứng tuổi có vẻ lạ lùng vì chúng ta đã quá quen thuộc với việc thế hệ trẻ nắm bắt và ứng dụng các thiết bị công nghệ, và là đối tượng chính sử dụng smartphone nhiều nhất. Tuy nhiên, việc tập trung vào những người trung tuổi đã giúp nghiên cứu việc dùng điện thoại từ mọi phân khúc nhân khẩu một cách cụ thể, nhờ đó có thể coi những kết quả nghiên cứu đại diện cho toàn nhân loại.”
Ngay cả việc nghiên cứu trong một tập dữ kiện ngách đến như vậy, các nhà khoa học vẫn thấy rằng smartphone giờ đã trở thành một dạng nhu yếu phẩm cơ bản. Tầm quan trọng của nó lớn tới mức, “có thể smartphone chính là thứ đầu tiên thử thách tầm quan trọng của chính mái nhà của mỗi con người, hay có thể là cả công ăn việc làm, xét đến khoảng thời gian chúng ta đắm chìm trong nó khi tỉnh táo. chúng ta luôn cảm thấy an toàn như ở nhà với chiếc smartphone. Chúng ta đã trở thành những con ốc sên đem căn nhà bỏ vào trong túi.”
Dù vậy, giáo sư Miller vẫn quan ngại với việc mọi người coi kết quả của cuộc nghiên cứu này là một góc nhìn tiêu cực thái quá: “Chiếc smartphone đang giúp chúng ta tạo ra và tái tạo rất nhiều hành vi có ích, từ việc kết nối các thành viên trong gia đình cho tới việc tạo ra những không gian mới cho nhiều ngành nghề khác nhau.” Phải xem xét kỹ lưỡng việc sử dụng smartphone trong nhiều bối cảnh khác nhau thì chúng ta mới hiểu được hoàn toàn những hệ quả của nó với cuộc sống con người trên toàn thế giới.
Theo Guardian